Chiều 15/5, tại buổi họp báo cung cấp tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn TP, ông Nguyễn Quang Huy, Phó chi cục trưởng Chi Cục Quản lý thị trường (QLTT) TP.HCM cho biết, tình hình thực phẩm không đảm bảo an toàn, kém chất lượng và không rõ nguồn gốc xuất xứ vẫn diễn biến phức tạp.

Ông Nguyễn Quang Huy, Phó chi cục trưởng Chi Cục QLTT TP.HCM.
Theo ông Huy, các mặt hàng vi phạm đa dạng, từ thực phẩm tươi sống đến đồ ăn đóng gói sẵn và đường cát. Các hành vi vi phạm chủ yếu bao gồm kinh doanh thực phẩm không rõ nguồn gốc, sử dụng nguyên liệu hết hạn hoặc không đạt chuẩn, vi phạm nhãn mác và điều kiện vệ sinh trong sản xuất, kinh doanh.
Thời gian qua, Chi cục QLTT TP.HCM đã phát hiện và xử lý nhiều vụ việc. Điển hình là đơn vị đã phạt 25 triệu đồng một vụ kinh doanh 200 gói kẹo không rõ nguồn gốc; tạm giữ 50 tấn nội tạng động vật đông lạnh lậu trị giá 4,5 tỷ đồng và phạt 315 triệu đồng, buộc tiêu hủy. Ngoài ra, còn phát hiện gần 7 tấn đường tinh luyện nhập lậu ở Củ Chi, 18.200 chai bia nhập lậu ở quận 12 và hơn 1 tấn khô bò lậu kinh doanh trên mạng xã hội (bị phạt 100 triệu đồng và tiêu hủy).
Lực lượng QLTT cũng tăng cường kiểm tra cả thị trường truyền thống và thương mại điện tử. Mới đây, ngày 14/5, đã phát hiện một điểm kinh doanh tại chợ Bình Tây bán yến sào lậu trị giá gần 60 triệu đồng và một điểm ở quận 8 bán hơn 100 gói bột thực phẩm lậu trên website thương mại điện tử.

Thực phẩm bẩn, không rõ nguồn gốc lẫn lộn với thực phẩm sạch đang hoành hành trên thị trường.
Để kiểm soát tình trạng này, Sở Công thương TP.HCM đã triển khai nhiều biện pháp, tập trung vào kiểm tra, giám sát và phối hợp liên ngành. Về kiểm soát thực phẩm từ các tỉnh, Sở tăng cường hợp tác liên tỉnh, triển khai chương trình "Tick xanh trách nhiệm" và kiểm tra tại cửa ngõ, chợ đầu mối.
Ông Huy nhấn mạnh, các vi phạm về an toàn thực phẩm sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định pháp luật, thậm chí chuyển cơ quan điều tra nếu có dấu hiệu tội phạm. Sở Công thương cũng đề xuất công khai thông tin vi phạm, tăng nặng chế tài, xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự, đình chỉ hoạt động hoặc thu hồi giấy phép kinh doanh, đồng thời xây dựng cơ sở dữ liệu vi phạm liên thông.
Được biết, trong năm 2024 và 5 tháng đầu năm 2025, Chi cục QLTT TP.HCM đã xử lý 393 vụ vi phạm trên thương mại điện tử, chủ yếu về kinh doanh hàng lậu, hàng không rõ nguồn gốc và không thông báo website bán hàng, với tổng trị giá hàng hóa vi phạm hơn 8,8 tỷ đồng và số tiền phạt hơn 8 tỷ đồng.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận