Trình cơ chế, chính sách rút ngắn thời gian đầu tư xây dựng nhà ở xã hội
Sáng 20/5, Quốc hội nghe tờ trình và báo cáo thẩm tra dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển nhà ở xã hội.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trần Hồng Minh trình bày tờ trình. Ảnh: Media Quốc hội.
Thay mặt Chính phủ, trình bày tờ trình, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trần Hồng Minh cho biết, Đảng và Nhà nước quan tâm, xác định việc chăm lo giải quyết nhà ở cho người dân là nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Chính phủ đã có đề án "Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030". Từ năm 2021 đến nay, số lượng căn hộ hoàn thành là 66.755 căn, đạt khoảng 15,6% mục tiêu của đề án đến năm 2025.
Bên cạnh chỉ ra những vướng mắc, khó khăn trong thủ tục quy hoạch, đầu tư, đấu thầu, nguồn lực… để thực hiện dự án nhà ở xã hội, Bộ trưởng Trần Hồng Minh cho biết, thực tế hiện nay, nhiều người lao động trong khu công nghiệp không có khả năng mua nhà ở xã hội, không đủ tiền thuê các căn hộ chung cư thương mại giá cao.
Người lao động phải thuê nhà trọ do người dân xây dựng tự phát, là những dãy phòng cấp bốn diện tích mỗi phòng 9-10m2, thiếu nước sạch, môi trường ô nhiễm, giá thuê trọ cao, không có hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật kèm theo, dẫn đến không đảm bảo chất lượng sống của người lao động.
Nhiều doanh nghiệp, đặc biệt doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, các đơn vị sự nghiệp công lập mong muốn được thuê nhà ở xã hội để chủ động về chỗ ở cho cán bộ, viên chức, người lao động của mình thì không thuộc đối tượng được thuê nhà ở xã hội.
Hơn nữa, trong bối cảnh thực hiện công tác sắp xếp, sáp nhập tỉnh, thành, tổ chức chính quyền hai cấp, nhiều cán bộ, công chức, viên chức, người lao động phải đi xa nơi ở để làm việc. Do đó, cần chính sách tạo điều kiện cho họ có chỗ ở.
Song, hiện nay, pháp luật chưa cho phép cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập được thuê nhà ở xã hội để bố trí cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của mình ở. Vì vậy, cần thiết có chính sách cho phép doanh nghiệp, cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập được thuê nhà ở xã hội cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ở, yên tâm làm việc.
Doanh nghiệp sản xuất trong khu công nghiệp được thuê nhà lưu trú công nhân cho người lao động của mình ở.
Từ đó, Chính phủ xây dựng Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển nhà ở xã hội, nhằm đẩy nhanh tiến độ, rút ngắn thời gian đầu tư xây dựng các dự án nhà ở xã hội.
Cắt giảm nhiều thủ tục
Dự thảo Nghị quyết gồm 14 điều, đáng chú ý, bổ sung đối tượng có địa điểm làm việc cách xa nơi có nhà thuộc sở hữu của mình, được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội.
Theo đó, điều kiện được mua, thuê mua nhà ở xã hội gần địa điểm làm việc là chưa mua hoặc thuê mua nhà ở xã hội, chưa được hưởng chính sách hỗ trợ nhà ở, chưa có nhà ở thuộc sở hữu của mình. Trường hợp đã có nhà, khoảng cách ngắn nhất từ nhà thuộc sở hữu đến địa điểm làm việc phải từ 30 km trở lên.

Các đại biểu tại nghị trường. Ảnh: Media Quốc hội.
Bên cạnh đó, dự thảo Nghị quyết đề xuất doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập được thuê nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân trong khu công nghiệp để bố trí cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ở. Doanh nghiệp sản xuất trong khu công nghiệp được thuê nhà lưu trú công nhân cho người lao động ở…
Dự thảo Nghị quyết cũng đề xuất bỏ thủ tục thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi. Trường hợp công trình nhà ở xã hội thuộc dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội được đề xuất áp dụng thiết kế mẫu, thiết kế điển hình đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền công bố thì được miễn giấy phép xây dựng.
Những gói thầu thuộc dự án xây dựng nhà ở xã hội, công trình nhà ở xã hội bằng nguồn vốn đầu tư công, nguồn tài chính công đoàn, vốn của doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp do doanh nghiệp nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, được thực hiện theo hình thức chỉ định thầu rút gọn.
Theo cơ quan soạn thảo, việc bỏ thủ tục thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi của cơ quan chuyên môn về xây dựng thực hiện, giúp cắt giảm 15 - 35 ngày so với quy định hiện hành (100%).
Đối với những dự án sử dụng vốn đầu tư công, nguồn tài chính công đoàn, nếu thực hiện chỉ định thầu rút gọn, chỉ mất khoảng 15 ngày, cắt giảm 45 - 105 ngày so với quy định hiện hành (75-90%).
Ngoài ra, quy định không thực hiện cấp giấy phép xây dựng đối với trường hợp áp dụng thiết kế mẫu, thiết kế điển hình sẽ thực hiện cắt giảm 20 -30 ngày so với hiện hành (100%).
Nhiều giải pháp đột phá, thông thoáng
Ở góc độ thẩm tra, Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật và Tư pháp Hoàng Thanh Tùng cho hay, Uỷ ban tán thành việc cần ban hành nghị quyết.

Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật và Tư pháp Hoàng Thanh Tùng trình bày báo cáo thẩm tra. Ảnh: Media Quốc hội.
Uỷ ban Pháp luật và Tư pháp cho rằng, những chính sách được đề nghị trong dự thảo Nghị quyết đều mới, lớn, có tác động sâu rộng đến nguồn lực Nhà nước, quyền, nghĩa vụ của doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân.
Nhiều giải pháp đột phá rất thông thoáng để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thu hút doanh nghiệp tham gia đầu tư xây dựng nhà ở xã hội. Đồng thời, có cơ chế, chính sách ưu đãi về nhà ở xã hội, góp phần nâng cao phúc lợi xã hội toàn dân, trong đó có cán bộ, công chức, viên chức, người lao động là đối tượng chịu sự tác động của việc sáp nhập tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Tuy nhiên, Uỷ ban Pháp luật và Tư pháp đề nghị rà soát, làm rõ quy định về thành lập Quỹ Nhà ở quốc gia; chính sách giao chủ đầu tư, chấp thuận chủ trương đầu tư, đồng thời giao chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội không thông qua đấu thầu.
Một số ý kiến đề nghị thận trọng việc Nhà nước hoàn trả tiền cho chủ đầu tư trong trường hợp chủ đầu tư có quyền sử dụng đất hoặc thỏa thuận nhận chuyển quyền sử dụng đất, vì đây là nội dung có tác động lớn đến nguồn lực Nhà nước nhưng chưa có đánh giá tác động chính sách kỹ lưỡng, chưa được báo cáo và có sự chấp thuận của cấp có thẩm quyền.
Cũng theo ông Tùng, dự thảo Nghị quyết chưa xác định rõ thời điểm thực hiện hoàn trả nên có thể dẫn đến tùy nghi trong thực hiện, có nguy cơ gây ra sơ hở, thất thoát, tiêu cực.
Dự thảo Nghị quyết bao gồm các cơ chế, chính sách:
Thành lập Quỹ nhà ở quốc gia; Giao chủ đầu tư, chấp thuận chủ trương đầu tư, đồng thời giao chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội không sử dụng vốn đầu tư công không thông qua đấu thầu; Lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch chi tiết dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội.
Cùng đó là nội dung về thủ tục đầu tư xây dựng nhà ở xã hội; Xác định giá bán, giá thuê mua nhà ở xã hội; Điều kiện về nhà ở để được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội; Thuê nhà ở xã hội của doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập; Bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, đầu tư hệ thống hạ tầng kỹ thuật, tạo quỹ đất phát triển nhà ở xã hội…
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận