Áp lực do nợ ngân hàng
Anh Đinh Thành Minh (35 tuổi) cùng vợ là chị Lan có hai con nhỏ, đã mua một căn nhà tại quận Thanh Xuân (Hà Nội) cách đây hơn 2 năm. Căn nhà có giá 2,5 tỷ đồng, với 3 phòng ngủ, không gian sống thoải mái khiến gia đình anh Minh rất hài lòng. Tuy nhiên, sau một thời gian, áp lực tài chính từ việc trả nợ ngân hàng và các chi phí sinh hoạt dần trở nên nặng nề.

Không gian chung là nơi làm việc, học tập, vui chơi cho gia đình.
Anh Minh cho biết: "Để mua căn nhà này, tôi phải vay 2 tỷ đồng từ ngân hàng với lãi suất cố định là 8% một năm, thời gian vay là 20 năm. Mỗi tháng đầu, tôi phải trả khoảng 17 triệu đồng tiền lãi và gốc cho khoản vay. Ban đầu, tôi nghĩ rằng mua nhà sẽ tốt cho gia đình mình, nhưng mọi thứ không dễ dàng. Khi lãi suất vay tăng lên, chi phí sinh hoạt cũng tăng và chúng tôi phải lo nhiều khoản khiến lúc nào cũng cảm thấy quá tải".
Với thu nhập tổng cộng hàng tháng của hai vợ chồng khoảng gần 35 triệu đồng, mỗi tháng, gia đình anh Minh phải chi tiêu trên chục triệu đồng cho các khoản như tiền ăn uống, học phí của con, các khoản điện, nước và các chi phí sinh hoạt khác.
Điều này khiến vợ chồng anh Minh luôn trong tình trạng phải thắt chặt chi tiêu để đảm bảo đủ tiền trả nợ ngân hàng và duy trì cuộc sống hàng ngày.
Vì vậy, sau nhiều lần bàn bạc, gia đình họ quyết định cho thuê căn nhà lớn và chuyển đến một căn nhà trọ trong ngõ nhỏ hơn để tiết kiệm chi phí, gần khu vực làm việc với giá thuê 6 triệu đồng một tháng.
Dù không gian nhỏ hơn nhưng họ lại tiết kiệm được một khoản chi phí lớn mỗi tháng. Số tiền 10 triệu đồng cho thuê căn nhà, vợ chồng anh Minh dùng để thêm vào trả nợ ngân hàng.
Chị Nguyệt Tú (27 tuổi) cùng chồng là anh Quang cũng đang phải đối mặt với tình cảnh tương tự. Thu nhập hàng tháng từ công việc online của chị chỉ đủ để chi trả các khoản cần thiết mà không có dư dả. Trong khi đó, tiền tích góp của hai vợ chồng, kể cả khoản vàng mừng cưới cũng đã được gom góp hết để mua căn nhà gần 3 tỷ đồng ở Hà Nội.
"Tôi không thể tiết kiệm được gì mỗi tháng. Cuộc sống của tôi và chồng cứ xoay quanh việc chi tiêu hàng ngày bằng đồng lương eo hẹp. Mỗi lần có sự cố bất ngờ, ví dụ như con bị ốm lại phải vay mượn" chị Tú nói. Trong khi đó, chồng chị Tú làm việc tự do nên thu nhập hàng tháng cũng không ổn định.

Việc chọn nhà ở rất quan trọng vì đây là môi trường để các con phát triển về mọi mặt, từ thể chất đến nhân cách.
Chị Tú cũng đã nghĩ đến việc bán căn nhà và chuyển đến thuê một khu vực rẻ hơn, nhưng lại lo lắng sau khi bán đi với tình hình giá nhà cao như hiện tại thì không mua lại được. Áp lực này khiến cho vợ chồng chị Tú đã dọn ra ở trọ, cho thuê lại căn hộ với giá 7 triệu đồng mỗi tháng.
Cần có phương án lâu dài, thận trọng
Chuyên gia tài chính, tư vấn kinh tế độc lập Nguyễn Hoàng Sơn cho rằng, quyết định cho thuê nhà để tiết kiệm chi phí có thể là một giải pháp tạm thời hợp lý trong một số trường hợp, nhưng không phải là phương án lâu dài.
"Các gia đình cần phải xem xét kỹ lưỡng tình hình tài chính của mình. Nếu việc cho thuê giúp giảm bớt căng thẳng trong ngắn hạn, thì cũng cần có kế hoạch tài chính lâu dài để đảm bảo sự ổn định", ông Sơn chia sẻ.
Theo ông Sơn, một trong những cách để tránh tình trạng này là lên kế hoạch tài chính ngay từ đầu. Các gia đình nên lập một ngân sách chi tiết, xác định rõ các khoản chi tiêu cần thiết, tránh vay mượn quá nhiều khi mua nhà.
"Việc tính toán trước khả năng chi trả và mức thu nhập có thể giúp gia đình tránh được tình trạng quá tải tài chính sau này," ông Sơn nhấn mạnh.
Để giải quyết vấn đề lâu dài, chuyên gia khuyến cáo các gia đình cần phải tìm cách tăng thu nhập, giảm chi phí và quản lý tài chính một cách khoa học.
Việc vay mua nhà khi tài chính chưa ổn định có thể đẩy nhiều người trẻ vào vòng xoáy nợ nần triền miên. Thực tế cho thấy nhiều trường hợp mua căn hộ sau khi hết thời gian ưu đãi, lãi suất tăng khiến khoản tiền phải trả cho ngân hàng mỗi tháng vượt quá khả năng chi trả, hoặc biến động kinh tế làm giảm thu nhập, đã buộc người vay phải bán nhà để trả nợ.
Theo TS Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS), việc dành phần lớn thu nhập để trả nợ ngân hàng sẽ khiến người trẻ gặp khó khăn trong chi tiêu hàng ngày, đầu tư cho bản thân hay lập kế hoạch tài chính dài hạn. Không ít người rơi vào tình trạng căng thẳng tài chính, mất cân bằng cuộc sống vì áp lực trả nợ. Do đó, cần cân nhắc kỹ lưỡng trước khi quyết định vay mua nhà.
Chuyên gia cho rằng, người trẻ nên cố gắng tiết kiệm ít nhất 30 - 50% giá trị căn nhà trước khi vay để giảm áp lực trả nợ. Bên cạnh đó, khi chọn vay, cần tính toán kỹ lưỡng mức lãi suất sau thời gian ưu đãi để tìm kiếm các nguồn thu nhập khác, đảm bảo khả năng trả nợ trong dài hạn.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Quốc Anh, Phó tổng giám đốc nền tảng Batdongsan.com.vn chia sẻ, người mua nhà nên có sẵn tối thiểu 30 - 40% giá trị căn nhà dưới dạng tiền tích lũy, đồng thời cần bảo đảm có dòng tiền ổn định trong 3-5 năm tới đủ để duy trì, chi trả cho cuộc sống.
Mua nhà là một trong những quyết định quan trọng. Tuy nhiên, việc mua nhà nên được cân nhắc kỹ lưỡng và phù hợp với tình hình tài chính cá nhân.
Các chuyên gia cho rằng, mặc dù nhiều chủ đầu tư và ngân hàng hỗ trợ cho vay đến 80-85% giá trị sản phẩm nhưng việc cân nhắc trả nợ vẫn rất quan trọng. Trên thực tế nhiều người vẫn không "gồng" nổi các chi phí.
Khi cảm thấy chưa đủ tài chính, thuê nhà vẫn là phương án tối ưu nhất nên cân nhắc.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận