Thời sự Xây dựng Giao thông Kinh tế Pháp luật Chất lượng sống Văn hóa - Giải trí Thể thao Công nghệ Thế giới Đi ++ Video Multimedia
Báo Xây dựng - Tin tức trong ngày, tin mới nhất, tin nhanh 24h Hàng hải

Xác định loạt dự án ưu tiên đầu tư, gỡ nút thắt hạ tầng cảng biển Thái Bình

Xác định loạt dự án ưu tiên đầu tư, gỡ nút thắt hạ tầng cảng biển Thái Bình

16/05/2025, 14:52

Cục Hàng hải và Đường thủy VN vừa trình Bộ Xây dựng Quy hoạch chi tiết phát triển vùng đất, vùng nước cảng biển Thái Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Tăng trưởng âm, tàu nhỏ chiếm đa số

Theo thống kê của Cục Hàng hải và Đường thủy VN, trong năm 2024, sản lượng hàng hóa thông qua cảng biển Thái Bình đạt 0,589 triệu tấn. Trong đó, hàng lỏng chiếm tới 99,8% với 0,588 triệu tấn; hàng tổng hợp và hàng rời chỉ đạt 0,001 triệu tấn (khoảng 0,2%). Phần lớn lượng hàng này được vận chuyển qua khu chuyển tải xăng dầu Hải Hà, hiện vẫn hoạt động tại cảng tổng hợp Diêm Điền.

Xác định loạt dự án ưu tiên đầu tư, gỡ nút thắt hạ tầng cảng biển Thái Bình- Ảnh 1.

Sản lượng hàng hóa thông qua cảng biển Thái Bình còn thấp, chủ yếu là hàng lỏng, hàng tổng hợp, rời (Ảnh minh họa).

Tuy nhiên, con số trên mới chỉ đạt khoảng 29,5% so với kịch bản quy hoạch đến năm 2020 được Bộ Giao thông vận tải phê duyệt trong “Quy hoạch chi tiết Nhóm cảng biển phía Bắc (Nhóm 1)” năm 2016, với mục tiêu đạt 2 triệu tấn vào năm 2020.

Giai đoạn 2020-2024, sản lượng hàng hóa qua cảng Thái Bình ghi nhận tăng trưởng âm, bình quân -1,76%/năm. Trong khi đó, số lượt tàu biển lại tăng trưởng trung bình 14,6%/năm, chủ yếu là tàu dưới 3.000 tấn (chiếm từ 66-80%).

Hiện tại, hệ thống cảng biển Thái Bình có 13 cầu cảng, bến phao và khu neo đậu chuyển tải với tổng chiều dài 509m. Tàu lớn nhất từng tiếp nhận tại khu vực là tàu trọng tải 60.000 tấn tại khu neo chuyển tải xăng dầu Hải Hà; còn lại là các tàu hàng rời, tổng hợp dưới 3.000 tấn tại cầu bến.

Sự phát triển của cảng biển Thái Bình chưa đạt như kỳ vọng, chủ yếu do thiếu nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng hàng hải công cộng và hạn chế trong thu hút xã hội hóa. Cùng với đó, hệ thống giao thông kết nối, công tác quản lý, khai thác cảng biển cũng còn nhiều bất cập.

Đáng chú ý, luồng hàng hải Diêm Điền thường xuyên bị bồi lắng do đặc điểm vùng biển hở và chưa có công trình chỉnh trị phù hợp. Tàu hành hải trên luồng phải giảm tải, phụ thuộc vào thủy triều để ra vào cảng, còn tàu lớn buộc phải chuyển tải ngoài khơi. Tuyến đường thủy nội địa kết nối cũng còn hạn chế.

Hạ tầng cảng hiện hữu chưa được khai thác hiệu quả. Cầu cảng quy mô nhỏ, trang thiết bị lạc hậu, nằm sâu trong sông, không đủ năng lực đón tàu trọng tải lớn. Bên cạnh đó, các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh phân tán, tiến độ đầu tư chậm. Địa phương cũng chưa có quy hoạch ổn định cho các vị trí đổ chất nạo vét lâu dài.

Cần hơn 11.200 tỷ đồng phát triển cảng biển

Theo dự thảo quy hoạch, cảng biển Thái Bình sẽ bao gồm khu bến Diêm Điền, khu bến Trà Lý, khu bến Ba Lạt, các bến phao, khu neo đậu, chuyển tải và các khu neo tránh, trú bão. Mục tiêu đến năm 2030, cảng biển khu vực sẽ đáp ứng lượng hàng hóa thông qua từ 6,8 - 7,85 triệu tấn (trong đó hàng container đạt 0,02 triệu TEU).

Dự kiến cảng sẽ có từ 10-11 bến, gồm 12-13 cầu cảng với tổng chiều dài từ 1.909-2.459m (chưa kể các bến cảng khác). Đến năm 2050, hệ thống cảng đáp ứng tốc độ tăng trưởng hàng hóa bình quân 5-5,3%/năm, đồng thời phát triển các dịch vụ hỗ trợ gắn với tiến trình hình thành Khu kinh tế Thái Bình và các khu công nghiệp lân cận.

Tổng nhu cầu sử dụng đất đến năm 2030 khoảng 75,2ha (chưa bao gồm đất cho các khu công nghiệp, logistics liên quan), diện tích mặt nước khoảng 24.231,5ha.

Dự kiến tổng nhu cầu vốn đầu tư đến 2030 khoảng 11.240 tỷ đồng, trong đó hạ tầng hàng hải công cộng khoảng 7.890 tỷ đồng, còn lại là vốn đầu tư các bến cảng kinh doanh dịch vụ xếp dỡ.

Dự thảo cũng xác định các dự án cần ưu tiên đầu tư gồm: Cải tạo, nâng cấp luồng hàng hải Diêm Điền để đón tàu từ 3.000-5.000 tấn hoặc lớn hơn; nghiên cứu chỉnh trị ổn định luồng phục vụ các bến cảng cửa sông.

Ngoài ra, sẽ ưu tiên đầu tư hạ tầng phục vụ đảm bảo an toàn hàng hải như khu neo tránh, trú bão, hệ thống giám sát và điều phối giao thông (VTS), bến công vụ và cơ sở vật chất cho quản lý nhà nước chuyên ngành.

Một số hạng mục khác cũng được đề cập như: Đầu tư bến cảng hàng lỏng/khí phục vụ nhà máy điện khí LNG Thái Bình tại khu bến Trà Lý; nghiên cứu đầu tư bến cảng ngoài cửa sông khu vực Diêm Điền nhằm phục vụ Khu kinh tế Thái Bình khi đủ điều kiện.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.