Thời sự Xây dựng Giao thông Kinh tế Pháp luật Chất lượng sống Văn hóa - Giải trí Thể thao Công nghệ Thế giới Đi ++ Video Multimedia
Báo Xây dựng - Tin tức trong ngày, tin mới nhất, tin nhanh 24h Xã hội

Cắt giảm mạnh thủ tục, phân cấp quản lý, đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp

Cắt giảm mạnh thủ tục, phân cấp quản lý, đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp

13/05/2025, 11:36

Dự thảo Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp đã cắt giảm 7 trong số 24 thủ tục hành chính (khoảng 30%), tăng cường phân cấp cho doanh nghiệp quyết định tiền lương, chiến lược kinh doanh 5 năm, kế hoạch kinh doanh hằng năm...

Sáng 13/5, Quốc hội nghe báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp và thảo luận ở hội trường về nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp.

Cắt giảm mạnh thủ tục, phân cấp quản lý, đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp- Ảnh 1.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính Phan Văn Mãi trình bày báo cáo. Ảnh: Media Quốc hội.

Dự thảo luật cắt giảm khoảng 30% thủ tục hành chính

Trình bày báo cáo, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế và Tài chính Phan Văn Mãi cho biết, dự thảo Luật đã được rà soát, nghiên cứu kỹ , tiếp thu tối đa ý kiến đại biểu Quốc hội. Đến nay, dự thảo luật gồm 8 chương, 59 điều, giảm 3 điều so với dự thảo trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 8.

Dự thảo luật đã cắt giảm 7 trong số 24 thủ tục hành chính (khoảng 30%), trong đó có khoảng 50% số thủ tục trình Thủ tướng được cắt giảm hoặc phân cấp cho cơ quan đại diện chủ sở hữu, tăng cường phân cấp cho doanh nghiệp.

Theo dự thảo luật, Nhà nước có thể dùng một số nguồn vốn để đầu tư vào doanh nghiệp như ngân sách Nhà nước; tài sản công; quỹ đầu tư phát triển, lợi nhuận sau thuế được để lại tăng vốn điều lệ, cổ tức được chia bằng cổ phiếu, thặng dư vốn cổ phần tương ứng tỷ lệ vốn do Nhà nước nắm giữ, cùng các nguồn vốn hợp pháp khác theo quy định của Chính phủ.

Đáng chú ý, một trong nhiều lĩnh vực Nhà nước sẽ đầu tư vốn để thành lập doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ là ứng dụng công nghệ cao, đầu tư lớn, xây dựng những công trình kết cấu hạ tầng trọng điểm, quan trọng quốc gia, tạo động lực phát triển nhanh cho các ngành, lĩnh vực khác và nền kinh tế.

Ngoài ra, còn có doanh nghiệp cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích thiết yếu cho xã hội; doanh nghiệp trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh; doanh nghiệp hoạt động tại những địa bàn trọng yếu về quốc phòng, an ninh; doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực độc quyền tự nhiên…

Cắt giảm mạnh thủ tục, phân cấp quản lý, đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp- Ảnh 2.

Quang cảnh phiên họp sáng 13/5. Ảnh: Media Quốc hội.

Đề nghị tăng cường phân cấp cho doanh nghiệp

Giải trình về một số điểm đại biểu Quốc hội còn nhìn nhận khác nhau và đã được tiếp thu trong dự thảo luật, ông Mãi cho hay, trước đó, có ý kiến nêu quy định không cho doanh nghiệp được kinh doanh bất động sản là chưa phù hợp.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, theo quy định của Luật doanh nghiệp, ngành, nghề kinh doanh của doanh nghiệp được thể hiện trong Điều lệ công ty.

Dự thảo luật đã quy định việc quản lý vốn Nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp thông qua người đại diện chủ sở hữu. Do đó, đại diện chủ sở hữu Nhà nước sẽ quyết định ban hành Điều lệ công ty thông qua người đại diện tại doanh nghiệp, bảo đảm doanh nghiệp tập trung ngành nghề sản xuất kinh doanh theo đúng định hướng của Nhà nước, hạn chế tình trạng đầu tư ngoài ngành, lĩnh vực kinh doanh chính.

Bên cạnh đó, dự thảo luật quy định phạm vi đầu tư vốn Nhà nước để thành lập doanh nghiệp, bổ sung vốn điều lệ cho doanh nghiệp, bổ sung vốn góp của Nhà nước tại công ty cổ phần, công ty TNHH hai thành viên trở lên và giao Chính phủ quy định chi tiết.

Dự thảo cũng quy định việc đầu tư vốn Nhà nước vào doanh nghiệp không đúng phạm vi đầu tư là hành vi bị cấm.

Do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu quan điểm của đại biểu Quốc hội, không quy định hạn chế đầu tư trong dự thảo luật để bảo đảm phù hợp quy định của Hiến pháp, Bộ luật Dân sự, Luật Doanh nghiệp.

Về chính sách tiền lương, thù lao, tiền thưởng, một số ý kiến đề nghị tăng cường phân cấp cho doanh nghiệp trong việc quyết định.

Tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, dự thảo luật quy định hội đồng thành viên, chủ tịch công ty quyết định chính sách tiền lương đối với người đại diện chủ sở hữu trực tiếp, kiểm soát viên.

Ngoài ra, Ủy ban Thường vụ Quốc hội còn chỉnh lý dự thảo luật theo hướng: Hội đồng thành viên, chủ tịch công ty được chủ động quyết định nội dung gồm chiến lược kinh doanh 5 năm; kế hoạch kinh doanh hàng năm; huy động vốn, cho vay vốn; quyết định đầu tư dự án, đầu tư vốn.

Hội đồng thành viên, chủ tịch công ty cũng được quyết định tiền lương, thưởng tại doanh nghiệp theo nguyên tắc tuân thủ quy định của pháp luật về lao động, thỏa thuận trong hợp đồng lao động, năng suất, hiệu quả công việc của người lao động; sử dụng quỹ đầu tư phát triển; phê duyệt báo cáo tài chính hàng năm của doanh nghiệp.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.