Tăng cường liên kết giữa nghiên cứu và nhu cầu thị trường
Chiều 6/5, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 9, Quốc hội thảo luận tại tổ, cho ý kiến vào Dự thảo Luật Khoa học Công nghệ và Đổi mới sáng tạo.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn góp ý Dự thảo Luật Khoa học Công nghệ và Đổi mới sáng tạo trong buổi thảo luận tại tổ chiều 6/5 (ảnh: Media Quốc hội).
Theo Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, dự thảo cần quy định rõ các chính sách ưu đãi thuế một cách mạnh mẽ hơn.
Đơn cử như miễn giảm thuế cho các sản phẩm thương mại hoá từ nghiên cứu khoa học; thiết lập cơ chế tài chính linh hoạt như: quỹ đầu tư mạo hiểm, hỗ trợ vốn ban đầu cho các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, đơn giản hoá các thủ tục thương mại hoá kết quả nghiên cứu và giảm các rào cản hành chính để khuyến khích chuyển giao công nghệ.
Đối với vấn đề phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, cần bổ sung các chính sách ưu đãi như miễn giảm thuế thu nhập cá nhân, thưởng cho nghiên cứu khoa học, chia lợi nhuận từ thương mại hoá kết quả nghiên cứu, tăng cường đào tạo từ bậc phổ thông đến bậc cao, định hướng ngành nghề sớm cho sinh viên...
"Đất nước muốn phát triển nhanh thì phải dựa vào khoa học công nghệ và giáo dục đào tạo. Nếu có một nền giáo dục tốt sẽ có những nhà khoa học tốt", Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh và cho rằng cần tăng cường sự liên kết giữa nghiên cứu và thị trường. Thực tế ở nước ta nhiều nghiên cứu khoa học chưa được ứng dụng vào thực tế hoặc thương mại hoá dẫn đến lãng phí nguồn lực.
Bên cạnh đó, phải khuyến khích cơ chế đặt hàng nghiên cứu từ doanh nghiệp, đảm bảo đề tài có tính thực tiễn cao, gắn với nhu cầu thị trường; quy định ưu tiên mua sắm công các sản phẩm từ hoạt động nghiên cứu và đổi mới sáng tạo, tạo động lực cho doanh nghiệp tham gia. Đồng thời, có cơ chế hỗ trợ thành lập doanh nghiệp từ trường đại học, viện nghiên cứu để thương mại hoá kết quả nghiên cứu.
"Những nội dung này đã đưa vào Luật nhưng tôi đề nghị cần làm quyết liệt hơn. Mặt khác, cần đảm bảo đồng bộ với các luật liên quan và cam kết quốc tế, đặc biệt là các Hiệp định thương mại tự do mà chúng ta đã tham gia.
Dư luận các nhà khoa học rất quan tâm đến Luật này, do đó việc xây dựng phải đảm bảo tính đột phá mạnh mẽ, sau khi thông qua sẽ đi vào cuộc sống một cách hiệu quả, thiết thực và mang lại chuyển biến rõ rệt", Chủ tịch Quốc hội lưu ý.

ĐBQH Trần Quốc Tuấn (đoàn Trà Vinh) tham gia thảo luận tại tổ chiều 6/5 (Ảnh: Media Quốc hội).
Nhà khoa học vẫn còn tâm lý sợ sai, sợ thất bại
ĐBQH Trần Quốc Tuấn (đoàn Trà Vinh) cho rằng, bản chất của hoạt động nghiên cứu khoa học, thử nghiệm các công nghệ mới luôn tiềm ẩn rủi ro thất bại, nhưng đây là động lực quan trọng để thúc đẩy đột phá, phát triển.
"Nếu không chấp nhận rủi ro thì tổ chức, cá nhân sẽ rất e ngại để dấn thân vào nghiên cứu sáng tạo, từ đó làm trì trệ, tụt hậu đất nước.
Ở Việt Nam, thời gian vừa qua, không ít trường hợp các viện, trường hay các nhà khoa học vẫn còn tâm lý sợ thất bại, sợ sai do vô ý. Họ sợ vì cơ chế xử lý vi phạm hiện hành rất cứng nhắc, từ đó khiến nhiều dự án khoa học và công nghệ bị đình trệ", ông Tuấn nhìn nhận.
Đại biểu đề nghị cần xây dựng quy định thật chặt chẽ, bảo đảm cân bằng giữa khuyến khích sáng tạo và trách nhiệm xã hội đối với các tổ chức cá nhân thực hiện dự án khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.
"Cần quy định chặt chẽ những vấn đề cốt lõi. Trước hết phải quy định về phạm vi rủi ro được chấp nhận và chỉ nên áp dụng cho rủi ro không lường trước được, không do cố ý hoặc thiếu trách nhiệm, đặc biệt là những đề tài mang tính đột phá.
Điều kiện được hưởng cơ chế "chấp nhận rủi ro" là dự án phải có mục đích minh bạch, rõ ràng, không tạo lớp vỏ bọc để trục lợi chính sách. Nói cách khác, cần quy định cụ thể để cơ chế này không trở thành lá chắn an toàn cho hành vi thiếu trách nhiệm, có ý định trục lợi chính sách", đại biểu góp ý và cho rằng, nên có tiêu chí để phân biệt rõ giữa rủi ro khách quan và rủi ro chủ quan do cẩu thả.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận