Mất 6 năm xây dựng quy chuẩn ban đầu
Chia sẻ về hành trình hơn 15 năm miệt mài nghiên cứu, từ những ngày đầu "mò mẫm" quy định quốc tế đến khi tận mắt thấy tem đăng kiểm dán trên toa tàu Cát Linh - Hà Đông, Nhổn - ga Hà Nội hay Bến Thành - Suối Tiên, ông Lê Hoàng Tùng, Trưởng phòng Đường sắt không giấu nổi xúc động và tự hào.

Đăng kiểm viên đường sắt đô thị đa phần phải kiểm tra ban đêm nhiều hạng mục, công việc khó khăn và áp lực.
Từ năm 2010, khi dự án Bến Thành - Suối Tiên mới khởi động, đội ngũ đăng kiểm viên đã lao vào học hỏi kinh nghiệm từ các nước như: Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, các nước châu Âu... để từng bước xây dựng bộ quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đầu tiên về toa xe đường sắt đô thị.
Khối lượng công việc triển khai là rất lớn, với nhiều hạng mục lớn, nhỏ cần xây dựng phép thử, tính toán phương thức kiểm tra sao cho phù hợp với tình hình thực tế của Việt Nam.
Việc này đòi hỏi sự kỹ lưỡng, bởi liên quan đến an toàn của hàng nghìn hành khách khi các dự án được vận hành.
"Chính vì vậy, phải 6 năm sau, khi dự án Cát Linh - Hà Đông bước vào giai đoạn cuối, chúng tôi mới xây dựng được dự thảo ban đầu Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về toa xe", ông Tùng nhớ lại.
Sau nhiều lần lấy ý kiến góp ý, sửa đổi, bổ sung, đến năm 2018 dự thảo hoàn thiện, QCVN 18:2018/BGTVT được ban hành và áp dụng trong kiểm tra lần đầu đối với dự án Cát Linh - Hà Đông ngày 11/9/2018.
Quy chuẩn tiếp tục được nghiên cứu, xem xét sửa đổi. Cho đến năm 2023, QCVN 18:2023/BGTVT được ban hành đã đảm bảo sự hài hòa, tiệm cận với các quy định trên thế giới.
Những đêm trắng đua tiến độ
Ông Phạm Mạnh Hùng, Phó trưởng Phòng Đường sắt nhớ lại: Cảm giác lần đầu tiếp cận đoàn tàu hiện đại của Cát Linh - Hà Đông rất háo hức.
Nhưng niềm vui nhanh chóng nhường chỗ cho áp lực. Các quy định kỹ thuật mới mẻ, giao tiếp khó khăn do rào cản ngôn ngữ với chuyên gia nước ngoài khiến công việc gặp muôn vàn trở ngại.

Để kiểm tra khả năng vận hành tàu đường sắt đô thị, các đăng kiểm viên và nhà sản xuất đưa ra nhiều phép thử với độ khắc nghiệt cao.
"Khi bắt tay vào làm không tránh khỏi bỡ ngỡ, triển khai thực hiện những quy định của quy chuẩn kỹ thuật yêu cầu không hề đơn giản, vô vàn những khó khăn xuất hiện.
Đã có những lần bất đồng quan điểm nổ ra, nhưng anh em vẫn giữ thái độ cầu thị, vừa kiểm tra ban ngày, vừa về tra cứu thêm tài liệu ban đêm để đưa ra giải pháp chuẩn xác", ông Hùng kể.
Bám dự án từ những ngày đầu, ông Lê Thiết Huân, Phó trưởng Phòng Đường sắt cho biết, việc đăng kiểm toa xe phụ thuộc vào tiến độ hoàn thành của dự án và sự sắp xếp thời gian kiểm tra của ban quản lý. Với dự án Cát Linh - Hà Đông, từ lúc bắt đầu đến lúc kết thúc kiểm tra kéo dài hơn 2 năm.
"Rút kinh nghiệm từ dự án này, với hai dự án còn lại, chúng tôi lên kế hoạch tham gia kiểm tra từng giai đoạn, cuốn chiếu công việc theo tiến độ dự án.
Nhờ đó, với dự án Nhổn - ga Hà Nội, đăng kiểm chỉ trong 8 tháng. Riêng dự án Bến Thành - Suối Tiên, thậm chí còn hoàn thành đăng kiểm trước 3 tháng khi tàu vận hành chạy thử nghiệm", ông Huân nói.
Nói về công việc chưa từng có tiền lệ với các đăng kiểm viên, ông Huân chia sẻ thêm: Công việc đòi hỏi độ chính xác tuyệt đối từ khâu kiểm tra tĩnh như hệ thống hãm, buồng lái, khoang hành khách… đến các phép thử vận hành phức tạp như chống trượt, qua đường cong hay tình huống sự cố.
Hầu hết các cuộc kiểm tra đều phải diễn ra vào ban đêm - thời điểm không ảnh hưởng đến vận hành thương mại.
Giai đoạn cuối năm 2018, gần như đêm nào, các đăng kiểm viên cũng gắn với depot, với toa xe dự án Cát Linh - Hà Đông.
"Có hôm trời rét căm căm, ngồi trên tàu thử nghiệm đóng kín cửa, người vẫn run bần bật. Lại có hôm trời nóng, chỉ sau vài tiếng, cả người ướt đẫm như vừa từ phòng xông hơi bước ra", ông Huân kể lại.
Không có chỗ cho sự chủ quan
Tham gia đăng kiểm toa xe của cả 3 dự án đường sắt đô thị, ông Hùng vẫn nhớ như in cảm xúc hồi hộp, lo lắng mỗi đêm khi kiểm tra vận hành toa xe trên đường thử.

Ông Lê Thiết Huân, Phó trưởng phòng Đường sắt (bên phải) và ông Phạm Mạnh Hùng, Phó trưởng phòng Đường sắt thực hiện thao tác đăng kiểm tàu đường sắt đô thị.
Theo ông Hùng, những phép thử khắc nghiệt như kiểm tra tính năng chống trượt, hãm khẩn cấp ở đoạn cong nhỏ nhất luôn khiến các đăng kiểm viên hồi hộp.
Một sơ suất nhỏ có thể dẫn đến hậu quả khôn lường. Chính vì vậy, mỗi lần thử là một lần lo. Chỉ khi tàu dừng an toàn, anh em mới thực sự thở phào.
"Để kiểm tra tính năng chống trượt bánh xe, chúng tôi phối hợp với nhà sản xuất làm phép thử lắp đặt các thiết bị ghi nhận khả năng xử lý của tàu, sử dụng thùng chứa lớn chứa nước có pha chất tạo trơn trượt với các ống dẫn trực tiếp xuống đường ray, rồi cho tàu chạy trên đường.
Đến giờ nhớ lại, cảm giác lo lắng khi cả đoàn tàu phải vận hành trong điều kiện khắc nghiệt vẫn rõ như in", ông Hùng nhớ lại.
Để tàu được vận hành thương mại, rất nhiều hạng mục đã được kiểm tra, nhiều giả định sự cố khắc nghiệt nhất được thực hiện để kiểm tra khả năng vận hành, tính năng an toàn của đường sắt đô thị.
"Với anh em đăng kiểm viên, đây không chỉ là công việc mà còn là trách nhiệm với xã hội, với đất nước.
Mỗi chuyến tàu là sinh mạng của hàng nghìn hành khách - có thể là người thân của mình. Không thể có chỗ cho sự chủ quan hay thiếu sót.
Khi những đoàn tàu lăn bánh an toàn, đó là phần thưởng lớn nhất với các đăng kiểm viên. Dù đứng sau hậu trường, họ là những người âm thầm đặt nền móng cho một tương lai giao thông đô thị hiện đại và an toàn hơn", ông Hùng chia sẻ.
Ông Phạm Minh Thành, Phó cục trưởng Cục Đăng kiểm VN thông tin, sau khi Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao trục Bắc - Nam, thực hiện chỉ đạo của Bộ Xây dựng, Cục Đăng kiểm Việt Nam đang khẩn trương nghiên cứu tiêu chuẩn, học hỏi từ các nước châu Âu, Trung Quốc, Nhật Bản… Đồng thời chú trọng đào tạo, tuyển dụng nhân lực chất lượng cao để sẵn sàng cho giai đoạn mới.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận