Đặc thù đăng kiểm ban đêm
Tại Việt Nam, hiện đã đưa vào vận hành 3 tuyến đường sắt đô thị (ĐSĐT) gồm: Cát Linh - Hà Đông, Nhổn - ga Hà Nội, Bến Thành - Suối Tiên. Trong đó, tuyến Cát Linh - Hà Đông đã hoàn thành đăng kiểm định kỳ sau đợt đăng kiểm nhập khẩu.

Với đặc thù phương tiện giao thông công cộng phải đảm bảo tính sẵn sàng vận hành, đăng kiểm định kỳ đường sắt đô thị, tất cả các hạng mục phải chạy thử trên tuyến chỉ có thể kiểm tra vào ban đêm.
Theo ông Lê Hoàng Tùng, Trưởng phòng Đường sắt - Cục Đăng kiểm VN, việc đăng kiểm ĐSĐT có nhiều điểm khác biệt so với đường sắt quốc gia. Nếu như các toa xe đường sắt quốc gia được kiểm tra ban ngày thì nhiều hạng mục của ĐSĐT phải thực hiện vào ban đêm để đảm bảo tiến độ.
Đặc biệt, trong quá trình đăng kiểm định kỳ, các hạng mục yêu cầu chạy thử trên tuyến chỉ có thể thực hiện khi không có hành khách, thường sau 23h. Trong khi đó, ĐSĐT là phương tiện công cộng hoạt động liên tục hằng ngày, cần đảm bảo số lượng tàu chạy đúng biểu đồ vận hành.
Với tuyến Cát Linh - Hà Đông, trước khi đến hạn đăng kiểm định kỳ 2 tháng, Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội (Hanoi Metro) sẽ phối hợp với Cục Đăng kiểm VN lên kế hoạch đăng kiểm "gối đầu" để không làm gián đoạn vận hành. Ông Tùng cho biết, các tuyến Nhổn - ga Hà Nội và Bến Thành - Suối Tiên khi đưa vào hoạt động cũng sẽ áp dụng cách làm này.
Với đường sắt quốc gia, do phụ thuộc vào nhu cầu thị trường, công tác đăng kiểm thường dồn vào các dịp cao điểm như hè, lễ Tết. Cục Đăng kiểm VN phải bố trí đăng kiểm viên bám sát hiện trường để đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp.
Ứng dụng công nghệ hiện đại

So với đường sắt quốc gia, đường sắt đô thị có công nghệ tiên tiến, công cụ hiện đại giúp nâng cao chất lượng bảo dưỡng, sửa chữa, từ đó, nâng cao chất lượng an toàn kỹ thuật phương tiện.
Ông Tùng cho biết, ĐSĐT sử dụng công nghệ hiện đại, có hệ thống quản lý an toàn vận hành theo tiêu chuẩn quốc tế, hỗ trợ nâng cao chất lượng bảo dưỡng và đánh giá mức độ tuân thủ quy trình của đơn vị vận hành.
Đăng kiểm viên cần nắm vững quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, cập nhật kiến thức mới và xem xét kỹ hồ sơ bảo dưỡng, sửa chữa trước khi kiểm tra. Các toa tàu ĐSĐT còn được trang bị hệ thống chẩn đoán, ghi nhật ký lỗi tự động, hỗ trợ bảo trì đúng kế hoạch và xử lý kịp thời sự cố, đảm bảo an toàn kỹ thuật.
Ngược lại, phương tiện đường sắt quốc gia còn thiếu hệ thống tự động chẩn đoán, nhiều hạng mục phải kiểm tra bằng thiết bị cầm tay, phụ thuộc nhiều vào tay nghề và kinh nghiệm của đăng kiểm viên.
Hơn nữa, các phương tiện đường sắt quốc gia đa dạng về chủng loại, nguồn gốc và chất lượng không đồng đều. Đăng kiểm viên không chỉ cần am hiểu quy chuẩn, thao tác thành thục mà còn phải dày dạn kinh nghiệm, nắm vững tiêu chuẩn cơ sở và đôi khi phải sử dụng phương pháp chuyên gia để đánh giá sự phù hợp của phương tiện.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận