Tận dụng từng khoảnh khắc để thu thập dữ liệu
Một ngày oi ả của đầu hè tháng 4, luồng hàng hải Hải Phòng tấp nập tàu thuyền qua lại. Ánh nắng gay gắt chiếu xuống mặt biển, phả thẳng vào mặt những người kỹ sư, thuyền viên trên tàu Sông Cấm đang thực hiện công tác khảo sát, đo đạc trên tuyến luồng hàng hải Hải Phòng.

Theo anh Ngô Tuấn Hiệp, Tổ trưởng tổ khảo sát 02, Xí nghiệp Khảo sát bảo đảm an toàn hàng hải miền Bắc, việc khảo sát, đo đạc dữ liệu không chỉ ở dưới nước mà cả trên bờ.
Ngót nghét 13 năm trong nghề, quá quen với sóng gió của biển khơi nên vừa lên tàu, anh Ngô Tuấn Hiệp, Tổ trưởng tổ khảo sát 02, Xí nghiệp Khảo sát bảo đảm an toàn hàng hải miền Bắc (thuộc Tổng công ty Bảo đảm an toàn hàng hải miền Bắc) đã lập tức tổ chức lắp đặt, kiểm tra, vận hành hệ thống thiết bị đo đạc trong khoang tàu.
Bên mạn tàu, các đồng nghiệp của anh cũng thoăn thoắt lắp đặt, vận hành các thiết bị đo đạc luồng hàng hải.
Vừa chăm chú theo dõi các thông số, dữ liệu đo đạc trên máy tính, anh Hiệp vừa kể cho chúng tôi nghe về câu chuyện phía sau những mảnh hải đồ của người đi biển. Để có những sản phẩm hải đồ chính xác, chất lượng là bao trí tuệ, mồ hôi và cả gian nan, hiểm nguy mà những kỹ sư, công nhân làm công việc này luôn phải đối mặt.
Anh bảo, công tác đo đạc, khảo sát khi ở phương tiện thường căng thẳng hơn so với trên bờ. Lý do, để ra tới địa điểm làm việc, có khi tàu phải mất khoảng 4-5 giờ hành trình và chỉ có khoảng 3 tiếng để làm việc rồi quay về do điều kiện thời tiết.
Đôi khi, máy móc thiết bị gặp sự cố, rất khó để chạy tàu vào bờ sửa chữa mà phải tự khắc phục, trừ những trường hợp anh em không thể tự sửa được.
Đã vậy, đặc thù của ngành hàng hải là phụ thuộc lớn vào điều kiện thời tiết và con nước nên giờ giấc của các kỹ sư, thuyền viên đều không cố định. Có hôm, nửa đêm canh ba, anh Hiệp đã thức dậy và lặng lẽ chuẩn bị đồ nghề đi làm để không làm vợ con tỉnh giấc. Làm việc đến sáng, anh cùng các đồng nghiệp đã phải rút về.
Cũng có những chuyến đi kéo dài nửa tháng trời. Anh em lênh đênh trên biển, sống chung trong chiếc tàu chật hẹp. Mỗi khi ra tới hiện trường mà trái gió trở trời, thời tiết không thuận, họ lại phải rút quân để đảm bảo an toàn.


Các kỹ sư, thuyền viên làm công tác đo đạc, khảo sát luồng hàng hải để thu thập dữ liệu phải làm việc trong môi trường sóng gió, đối mặt nhiều khó khăn.
"Đo đạc trong điều kiện thời tiết xấu cũng khiến các dữ liệu không đảm bảo độ chính xác", anh Hiệp kể và cho biết thêm, việc đo đạc có yêu cầu về tiến độ, nhưng luôn phải đảm bảo chất lượng là một trong những áp lực không nhỏ. Họ phải luôn tính toán và tận dụng từng khoảnh khắc trên hiện trường để thu thập dữ liệu đảm bảo cho việc sản xuất hải đồ.
Vất vả tại hiện trường là thế, song thực tế lại chưa thấm tháp vào đâu so với căng thẳng về công tác an toàn của các chàng kỹ sư, thuyền viên quanh năm làm bạn với biển khơi.
Như lời anh Phạm Ngọc Tú, thuyền phó tàu Sông Cấm, thời tiết biển hay có biến động bất ngờ. Chưa kể, tàu khảo sát đo đạc thường phải chạy cắt ngang luồng để đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật và có thể thu thập được lượng dữ liệu tối ưu nhất trong mỗi lần đo.
"Điều này rất nguy hiểm cho sự an toàn của tàu và thuyền viên, nhất là khi khu vực có mật độ tàu thuyền qua lại đông đúc, nhiều tàu container lớn hay tàu cá đi qua", anh Tú thừa nhận.
Dẫu nhọc nhằn nhưng cái nắng, cái gió của miền biển đã hun đúc nên những chàng kỹ sư, thuyền viên lành nghề và thạo việc, để làm nên những mảnh hải đồ có thêm nhiều giá trị.
Giúp hàng vạn chuyến tàu "vươn ra biển lớn" an toàn
Quá trưa, trên căn phòng hải đồ của Xí nghiệp Khảo sát bảo đảm an toàn hàng hải miền Bắc, nhiều kỹ sư vẫn tất bật bàn luận, trao đổi thảo luận về các thông số và dữ liệu cập nhật của các mảnh hải đồ.

Các kỹ sư của Xí nghiệp Khảo sát bảo đảm an toàn hàng hải miền Bắc đang thảo luận về các dữ liệu cập nhật hải đồ.
Gắn bó với công việc khảo sát và làm hải đồ đã hàng chục năm, song với anh Đồng Duy Mạnh, Trưởng phòng Kế hoạch Xí nghiệp Khảo sát bảo đảm an toàn hàng hải miền Bắc (Tổng công ty Bảo đảm an toàn hàng hải miền Bắc), công việc này chưa bao giờ dễ dàng.
"Trọng trách lớn với chúng tôi là trong bối cảnh khoa học công nghệ đang phát triển nhanh chóng, làm sao để sản phẩm hải đồ và các ấn phẩm hàng hải của Tổng công ty phải bắt kịp các yêu cầu của tiêu chuẩn quốc tế, đóng góp tích cực vào an toàn hàng hải.
Để làm được điều này, Tổng công ty sẽ tiếp tục đầu tư các trang, thiết bị, phương tiện, phần mềm chuyên dụng phục vụ công tác biên tập, xuất bản hải đồ hiện đại. Đồng thời, không ngừng nâng cao trình độ nhân lực, cập nhật tiến bộ khoa học kỹ thuật của ngành hàng hải thế giới.
Đó vừa là nhiệm vụ, vừa là trách nhiệm để tiếp nối truyền thống của các thế hệ đi trước - đảm bảo cung cấp dịch vụ bảo đảm an toàn hàng hải cho người đi biển, góp phần giảm tai nạn hàng hải và bảo vệ môi trường biển, đưa những chuyến hàng an toàn về với bến bờ".
Ông Nguyễn Phúc Chính, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Bảo đảm an toàn hàng hải miền Bắc.
Anh nhớ lại từ năm 2007, ban lãnh đạo Tổng công ty đã nhen nhóm ý tưởng về việc sản xuất hải đồ để phục vụ cho công tác hành hải và bảo đảm an toàn hàng hải.
Được sự ủng hộ của Bộ Giao thông vận tải bấy giờ, doanh nghiệp chính thức bắt tay "chinh chiến". Những bước khởi đầu lắm gian nan bởi đây là công tác mới lạ. Anh em hầu hết mới chỉ thực hiện thành lập bình đồ, bản đồ, trong khi làm hải đồ là một "trình" cao hơn hẳn.
Từ những năm 2010, Tổng công ty đã cử các kỹ sư tham gia các khóa đào tạo về sản xuất hải đồ tại các nước phát triển về thủy đạc như: Anh, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore… nhằm học hỏi kinh nghiệm, nắm bắt được quy trình sản xuất để mang về truyền đạt kinh nghiệm và xây dựng, áp dụng, cải tiến cho phù hợp với điều kiện thực tế của Việt Nam.
Nhấn mạnh việc xây dựng quy trình sản xuất hải đồ phải phù hợp với điều kiện năng lực, khoa học công nghệ, nhân lực và hoà nhập tiêu chuẩn quốc tế, theo anh Mạnh, đây cũng là quá trình khó vì anh em phải tự nghiên cứu, điều chỉnh và xây dựng những tiêu chuẩn riêng để áp dụng cho doanh nghiệp.
Là kỹ thuật viên biên tập hải đồ, anh Vũ Quang Minh khẳng định, hải đồ là sản phẩm hội tụ của nhiều mảng kiến thức khoa học khác nhau, từ kiến thức hàng hải, đo đạc bản đồ, khoa học bản đồ, tới những đối tượng tham chiếu ngôn ngữ trên hải đồ.
Các hải đồ sẽ được biên tập và xuất bản theo các tỷ lệ riêng, tùy mục đích hành hải và độ chính xác của các thông tin đo đạc, yêu cầu hàng hải. Do đó, cán bộ, kỹ sư vẫn thường xuyên phải cập nhật kinh nghiệm và học hỏi để bổ trợ cho nhau.
"Thông tin, dữ liệu để sản xuất hải đồ được sử dụng từ nhiều nguồn, sau khi được phân tích, đánh giá kỹ lưỡng về các tiêu chuẩn kỹ thuật trong nước và phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế để có dữ liệu chính xác, bố cục và thẩm mỹ chất lượng nhất", anh Minh chia sẻ.
Do đặc thù của công việc nên không ít lần, anh em phải làm việc thâu đêm để kịp thời cập nhật thông tin cho người đi biển, để hải đồ luôn luôn có độ chính xác cao nhất, đáp ứng nhu cầu và yêu cầu của ngành hàng hải trong thời đại mới.
Vì thế, không chỉ ngoài hiện trường sóng gió mà cả trên văn phòng, bất kể ngày hay đêm, các cán bộ, kỹ sư của Tổng công ty Bảo đảm an toàn hàng hải miền Bắc vẫn trăn trở với các con số, thông tin dữ liệu.
Bởi với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học, công nghệ trên toàn cầu, lĩnh vực hải đồ cũng chuyển mình mãnh liệt với các tiêu chuẩn được Tổ chức thủy đạc quốc tế (IHO) chuẩn hóa, cập nhật lại cho phù hợp với thực tế và nâng cao độ chính xác nhằm hỗ trợ tốt nhất cho người đi biển.
Cùng những nỗ lực không ngừng, kể từ năm 2015 tới nay, Tổng công ty Bảo đảm an toàn hàng hải miền Bắc đã sản xuất, cập nhật, phân phối 107 mảnh hải đồ giấy, 122 cell hải đồ điện tử và 3 ấn phẩm hàng hải.
Kết quả, các sản phẩm hải đồ giấy và hải đồ điện tử do Tổng công ty sản xuất đã hỗ trợ tích cực cho công tác quản lý, điều hành của các đơn vị như: Cảng vụ, hoa tiêu, trục vớt cứu hộ, các chủ tàu... Các hải đồ cũng đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế để các tàu quốc tế sử dụng, phục vụ cho việc hành hải trên vùng biển Việt Nam.
Dứt câu chuyện, những cán bộ, kỹ sư của Xí nghiệp Khảo sát Bảo đảm an toàn hàng hải miền Bắc lại bắt tay vào công việc xử lý dữ liệu một cách thận trọng nhất. Ngoài kia, con tàu Sông Cấm vẫn băng băng lướt trên những ngọn sóng lấp lánh trên luồng hàng hải, để dữ liệu độ sâu được thu thập đầy đủ, góp phần tạo nên những mảnh hải đồ, giúp hàng vạn con tàu trên khắp Tổ quốc có hải trình "vươn ra biển lớn" an toàn.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận