Thời sự Xây dựng Giao thông Kinh tế Pháp luật Chất lượng sống Văn hóa - Giải trí Thể thao Công nghệ Thế giới Đi ++ Video Multimedia

Có cơ chế giám sát độc lập để tránh điều chỉnh quy hoạch tùy tiện

10/05/2025, 17:02

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị phải quy định rõ việc công khai thông tin quy hoạch, lấy ý kiến nhân dân, có cơ chế giám sát độc lập để tránh tình trạng điều chỉnh một cách tùy tiện.

Quy hoạch phải đi đôi với phân cấp, phân quyền

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9, chiều 10/5, tham gia góp ý tại tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, sau khi Quốc hội khóa XIV ban hành Luật Quy hoạch, đã có nhiều văn bản hướng dẫn Luật được ban hành, triển khai. Tuy nhiên, đến nay xuất hiện nhiều vấn đề gây ách tắc.

Có cơ chế giám sát độc lập để tránh điều chỉnh quy hoạch tùy tiện- Ảnh 1.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh: Sửa Luật Quy hoạch phải đảm bảo sự liên kết giữa các quy hoạch quốc gia - tỉnh - vùng, tránh chồng chéo, mâu thuẫn (Ảnh: Phạm Thắng).

Từ đó, Chủ tịch Quốc hội đề nghị sửa Luật Quy hoạch lần này phải hoàn thiện được hệ thống quy hoạch tích hợp, đồng bộ, đảm bảo sự liên kết giữa các quy hoạch quốc gia - tỉnh - vùng, tránh chồng chéo, mâu thuẫn.

Khi Quốc hội thông qua chính quyền hai cấp, ông cho rằng phải quy định rõ cơ chế phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương trong lập, thẩm định, thực hiện quy hoạch, tăng cường các yếu tố phát triển bền vững, biến đổi khí hậu và áp dụng chuyển đổi số, ứng dụng trí tuệ nhân tạo AI vào quy hoạch.

Ông cho biết: Việc sửa đổi Luật Quy hoạch lần này, trước mắt là sửa đổi phạm vi để phục vụ cho sắp xếp lại địa giới hành chính, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền theo thẩm quyền từ Quốc hội, Chính phủ, địa phương. Tránh tình trạng một danh mục dự án đã được Quốc hội quyết định nhưng địa phương vẫn phải lên làm việc với các bộ, ngành để chuyển quy hoạch đất, sử dụng đất, dẫn đến vướng mắc.

"Sửa luật Quy hoạch phải đi đôi với đẩy mạnh phân cấp, phân quyền. Quốc hội ban hành Luật, Chính phủ ban hành Nghị định hướng dẫn, Bộ ban hành Thông tư, HĐND các địa phương ban hành Nghị quyết hướng dẫn, để thực hiện sao cho đồng bộ", ông nói.

Đối với các nội dung còn ý kiến khác nhau, chưa được nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu tiếp tục nghiên cứu, đánh giá, có sự tổng kết thực tiễn để sửa đổi Luật Quy hoạch sao cho toàn diện.

Đối với quy định phân cấp thẩm quyền quyết định hoặc phê duyệt, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch thực hiện quy hoạch, ông yêu cầu cần phải đổi mới mạnh mẽ theo chủ trương của Đảng.

Trong đó, quy định phân cấp thẩm quyền của Quốc hội cho Chính phủ để xác định các vùng cần lập quy hoạch vùng và quyết định quy hoạch không gian biển quốc gia, quy hoạch sử dụng đất cấp quốc gia.

Phân cấp thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ cho các Bộ trưởng, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố quyết định danh mục các dự án ưu tiên đầu tư trong kế hoạch thực hiện quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch tỉnh.

"Việc phân cấp, phân quyền hướng đến giải quyết nhanh các thủ tục hành chính", ông nhấn mạnh.

Với quy hoạch sử dụng đất quốc gia, không gian biển quốc gia, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, trường hợp phân cấp cho Chính phủ cần nghiên cứu tích hợp một số nội dung quan trọng của hai quy hoạch trên vào Quy hoạch quốc gia để bảo đảm quyền giám sát, quyết định của Quốc hội đối với nguồn lực đặc biệt quan trọng của quốc gia, bảo đảm không vi hiến, tuân thủ theo Hiến pháp.

Có cơ chế giám sát độc lập để tránh điều chỉnh quy hoạch tùy tiện- Ảnh 2.

Quang cảnh phiên thảo luận (Ảnh: Phạm Thắng).

Đảm bảo minh bạch, công khai trong quy hoạch

Nhấn mạnh quy hoạch là lĩnh vực rộng, liên quan đến nhiều ngành, nhiều lĩnh vực, ông đề nghị việc sửa đổi, bổ sung quy hoạch cần được xem xét tương quan với các luật khác như Luật Đất đai, Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn, Luật Điện lực, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Địa chất khoáng sản, Luật Biển Việt Nam, Luật Tài nguyên môi trường biển và hải đảo, Luật Tài nguyên nước… để bảo đảm đồng bộ.

Lấy ví dụ ở nước ngoài, mỗi tỉnh, mỗi địa phương đều có sa bàn thể hiện quy hoạch dài hạn và công khai để người dân được biết, trong khi tại Việt Nam, có khi quy hoạch bị thay đổi theo từng nhiệm kỳ của lãnh đạo; ông đề nghị quy hoạch phải đảm bảo tính minh bạch.

Phải quy định rõ việc công khai thông tin quy hoạch, lấy ý kiến nhân dân, nhất là các nhóm ảnh hưởng trực tiếp trong quy hoạch; cùng đó, thiết kế cơ chế giám sát độc lập để đảm bảo quy hoạch không bị điều chỉnh tùy tiện.

Mặt khác, quá trình triển khai quy hoạch đòi hỏi phải tăng cường cơ chế thực thi và giám sát. "Quốc hội, HĐND các địa phương, MTTQ, các đoàn thể, nhân dân phải cùng tham gia giám sát. Nếu quy hoạch công khai, minh bạch, được giám sát, nhân dân đồng thuận thì việc triển khai mới khả thi", ông nói.

Đối với trường hợp bổ sung quy hoạch có tính chất kỹ thuật chuyên ngành vào hệ thống quy hoạch nhưng không thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia, ông đề nghị việc lập, thẩm định, phê duyệt, công bố, thực hiện, điều chỉnh quy hoạch phải thực hiện đúng theo Luật quy hoạch và pháp luật có liên quan; đồng thời, cần có phương án tránh mâu thuẫn, chồng chéo giữa các luật có thể phát sinh.

Đối với việc điều chỉnh quy hoạch cấp quốc gia - vùng - tỉnh… rút ngắn quy trình điều chỉnh quy hoạch theo hướng giản lược các bước không phải thực hiện thủ tục xin chủ trương điều chỉnh quy hoạch, không thể thực hiện đánh giá tác động môi trường, sẽ giúp đẩy nhanh tiến độ.

Tuy nhiên, cần cân nhắc các trường hợp điều chỉnh quy hoạch làm thay đổi quy mô, nội dung lớn như thay đổi định hướng phát triển mục tiêu sử dụng đất mà không thực hiện đánh giá tác động môi trường sẽ có tác động xấu đến môi trường và tiềm ẩn rủi ro đối với phát triển bền vững.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.