Sáng 27/5, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự.

Đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) phát biểu tại nghị trường. Ảnh: Media Quốc hội.
Nêu ý kiến về đề xuất bỏ hình phạt tử hình đối với 8 tội danh theo dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự, đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) thể hiện thống nhất với việc bỏ hình phạt tử hình ở đa số các tội danh như dự thảo.
Với các tội danh tham ô, nhận hối lộ và vận chuyển trái phép chất ma túy, đại biểu cho rằng cần giữ lại hình phạt tử hình vì tính răn đe, phòng ngừa.
Theo đại biểu, thực tế, chưa từng có trường hợp nào bị tử hình về tội tham ô, tham nhũng. Tuy nhiên, gần đây, trong một số vụ án như vụ SCB, Viện Kiểm sát đã đề nghị tử hình.
Đáng chú ý, khi có đề nghị tử hình, gia đình các bị cáo đã tự nguyện nộp lại tài sản để khắc phục hậu quả, mong được giảm án.
Việc giữ lại án tử hình đối với hai tội này nhằm mục đích phòng ngừa, răn đe, cảnh tỉnh, đặc biệt trong bối cảnh chúng ta đang quyết liệt đấu tranh, trừng trị thích đáng tội phạm tham nhũng.
Dù có thể không thi hành án tử hình, nhưng việc tuyên án sẽ tạo áp lực để đối tượng khắc phục hậu quả, từ đó có thể được giảm án xuống chung thân, 20 năm hoặc 15 năm tù.
"Ví dụ, trong vụ án Trương Mỹ Lan, SCB, thiệt hại ước tính cả triệu tỷ đồng. Nếu khắc phục được một nửa số tiền này, chúng ta có thể xây dựng 50% tuyến đường sắt cao tốc Bắc Nam", ông Hòa nói.

Đại biểu Nguyễn Thanh Sang (Đoàn TP.HCM) góp ý vào dự thảo luật. Ảnh: Media Quốc hội.
Cùng quan điểm, đại biểu Nguyễn Thanh Sang (đoàn TP.HCM) cho biết loại tội phạm tham ô tài sản hiện diễn biến hết sức phức tạp, không chỉ trong lĩnh vực công mà cả lĩnh vực tư, nhất là khi quy định đã mở rộng xử lý sang cả khu vực tư nhân.
Cùng lấy ví dụ điển hình từ vụ án Trương Mỹ Lan (Ngân hàng SCB), ông Sang chỉ ra bằng nhiều thủ đoạn tinh vi, bị cáo đã chi phối, lũng đoạn ngân hàng, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
Đến nay, việc khắc phục hậu quả vẫn chưa xong, dù đã cố gắng thu hồi nhưng hệ lụy để lại vô cùng lớn, không thể cân đong đo đếm được. Do đó, đại biểu đề nghị giữ án tử hình để tăng tính răn đe.
Đối với tội nhận hối lộ, đại biểu cũng nêu thực tiễn cho thấy việc duy trì án tử hình có tác dụng răn đe và nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản.
Đơn cử, gần đây là vụ AVG và vụ chuyến bay giải cứu, sau khi tòa tuyên án tử hình (sơ thẩm), các bị cáo và gia đình mới nộp lại, khắc phục toàn bộ hậu quả.
"Cần phân tích tại sao các bị cáo không nộp tiền khắc phục hậu quả ngay mà đợi đến khi tòa sơ thẩm tuyên án tử hình, hoặc trong quá trình chuẩn bị phúc thẩm họ lại nộp? Đó là vì họ biết đó là nước cờ cuối cùng, nếu không nộp sẽ đối mặt với án tử", đại biểu nói.
Trong dự luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự lần này, có 8/18 (44,4%) tội danh có khung hình phạt tử hình được đề xuất bỏ hình phạt tử hình và thay thế bằng hình phạt tù chung thân không xét giảm án (vẫn bảo đảm cách ly người phạm tội ra khỏi đời sống xã hội).
Đó là các tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân; tội gián điệp; tội phá hoại cơ sở vật chất - kỹ thuật của Việt Nam; tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh; tội vận chuyển trái phép chất ma túy; tội tham ô tài sản; tội nhận hối lộ; tội phá hoại hòa bình, gây chiến tranh xâm lược.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận