Điểm chuẩn top đầu giữ vững
Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa công bố phổ điểm Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025, ghi nhận nhiều điểm sáng ấn tượng. Nhiều môn thi có điểm trung bình vượt kỳ vọng; trong đó, môn Vật lý đạt trung bình 6,99 điểm, với hơn 3.900 thí sinh đạt điểm tuyệt đối. Đáng chú ý, môn Địa lý năm nay "bùng nổ" với 6.907 bài thi đạt điểm 10, gấp đôi so với năm trước. Đặc biệt, môn Công nghệ - Nông nghiệp lần đầu tiên được đưa vào kỳ thi, gây chú ý với mức điểm trung bình cao nhất, đạt 7,72.

Chuyên gia nhận định, những ngành được đánh giá là "hot" tại các trường đại học top đầu dự kiến sẽ không có nhiều biến động về điểm chuẩn.
Phổ điểm cho thấy đề thi được thiết kế hợp lý, giúp phân loại chính xác năng lực học sinh. Nhóm điểm từ 20 - 25 chiếm tỷ lệ lớn, mở ra nhiều cơ hội lựa chọn ngành nghề đa dạng, từ các ngành truyền thống đến những lĩnh vực mới mẻ, đầy tiềm năng.
Liên quan đến kết quả kỳ thi, nhiều chuyên gia giáo dục dự báo điểm chuẩn xét tuyển năm nay sẽ có sự điều chỉnh rõ rệt giữa các nhóm trường và tổ hợp môn.
Tổ hợp Toán - Lý - Hóa dự kiến giảm điểm chuẩn trong kỳ tuyển sinh 2025. TS Võ Thanh Hải, Phó Giám đốc Đại học Duy Tân nhận định: "Phổ điểm năm nay không biến động nhiều so với 2024, nhưng có sự phân hóa rõ nét, phản ánh đúng chất lượng đề thi. Điểm trung vị chung năm 2025 là 4,6, thấp hơn 2,2 điểm so với mức 6,8 của năm trước. Môn Toán giảm mạnh điểm trung bình, trong khi Vật lý tăng nhẹ. Do đó, điểm chuẩn các tổ hợp Toán - Lý - Hóa dự kiến giảm 0,5 - 1 điểm.
Ông Hải chia sẻ: "dù điểm chuẩn chung giảm, các ngành "hot" ở trường tốp đầu vẫn giữ ổn định nhờ lượng thí sinh đạt điểm 10 tăng mạnh, đặc biệt môn Toán có 500 thí sinh đạt điểm tuyệt đối, so với năm ngoái chỉ có 10 thí sinh. Ngược lại, điểm chuẩn các trường tốp giữa và dưới dự kiến giảm mạnh hơn, từ một đến 1,5 điểm với các tổ hợp có môn Toán. Các tổ hợp có môn Tiếng Anh ít biến động do phổ điểm phân bố đồng đều, với hơn 60% thí sinh đạt trên 5 điểm".
Ông Hải cũng lưu ý, năm nay tất cả phương thức xét tuyển được quy về thang điểm chung và tuyển trong một đợt duy nhất, giúp điểm trúng tuyển giữa các trường không còn chênh lệch lớn như trước.
Điểm chuẩn đại học năm 2025 có thể giảm từ hai đến ba điểm tùy ngành, theo GS.TS Nguyễn Đình Đức, Trưởng ban Đào tạo ĐH Quốc gia Hà Nội. Ông cho biết số thí sinh chọn các tổ hợp truyền thống giảm, kết hợp với đề thi có độ phân hóa cao hơn khiến điểm trung bình và tỷ lệ điểm giỏi nhiều môn giảm.
Đặc biệt, các tổ hợp có môn Toán và Tiếng Anh chịu ảnh hưởng mạnh nhất do phổ điểm thấp hơn mặt bằng chung. Trong khi đó, các tổ hợp gồm môn Ngữ văn, Địa lý vẫn duy trì điểm ổn định.
GS Đức nhận định đề thi Toán và Tiếng Anh năm nay "gây sốc" với không ít thí sinh và giáo viên, nhưng đây là bước đi cần thiết để khuyến khích học thật, thi thật và đánh giá chính xác năng lực học sinh.
Bổ sung góc nhìn từ chuyên gia tâm lý giáo dục, TS Lê Phương Hoa chia sẻ: "Thí sinh cần hiểu rõ bản thân, bởi đó là nền tảng then chốt để chọn ngành học phù hợp. Khi nhận biết được năng lực và sở thích của mình, các em sẽ học tập tích cực hơn, kiên trì hơn và dễ đạt được thành công".

Thí sinh cần nghiên cứu kỹ từng trường, từng lĩnh vực để đăng ký nguyện vọng phù hợp (Ảnh minh họa).
Thí sinh cần chiến lược thông minh
Từ phân tích phổ điểm và xu hướng xét tuyển, TS Võ Thanh Hải khuyến nghị thí sinh nên đăng ký ít nhất bốn nguyện vọng nhằm tăng cơ hội trúng tuyển vào ngành phù hợp, tránh bỏ lỡ do biến động điểm chuẩn giữa các nhóm trường.
Nhằm đảm bảo công bằng cho thí sinh, GS.TS Nguyễn Đình Đức đánh giá cao việc Bộ GD&ĐT áp dụng quy định quy đổi điểm tương đương giữa các phương thức xét tuyển từ năm nay, đồng thời đưa ra hệ số điều chỉnh khi xét tuyển đầu vào, với những ngành xét tuyển từ nhiều tổ hợp. Ví dụ, ngành Luật hay Khoa học Xã hội và Nhân văn xét tuyển các khối A, B, C, D thì việc quy đổi điểm là cần thiết, đảm bảo cơ sở khoa học và công bằng.
"Cần giữ ổn định quy chế tuyển sinh của Bộ và đề án tuyển sinh của các trường, phương án tuyển sinh cần được giữ ổn định qua nhiều năm, không nên thay đổi liên tục gây khó khăn cho thí sinh", ông Đức chia sẻ thêm.
Ông cũng đưa ra ví dụ về ngành Y trước đây chủ yếu tuyển sinh bằng tổ hợp truyền thống có môn Hóa, Sinh, nhưng nay xuất hiện nhiều tổ hợp mới, cần cân nhắc để phù hợp với thông lệ quốc tế. Việc lựa chọn ngành nghề sẽ quyết định đến lựa chọn môn thi tốt nghiệp THPT, do đó cần xem xét kỹ để đảm bảo chất lượng đầu vào.
Bên cạnh đó, Bộ GD&ĐT cùng các cơ sở đào tạo cần công bố sớm phương án tuyển sinh, không nên đợi đến tháng 3-4 như những năm trước, tránh gây "sốc" cho thí sinh.
GS.TS Đức cũng kiến nghị xây dựng phương thức đánh giá năng lực chuẩn hóa theo thông lệ quốc tế, như kỳ thi SAT, ACT... để thí sinh có thể thi nhiều lần trong năm, tăng cơ hội và độ chính xác trong tuyển chọn.
Chia sẻ thêm lời khuyên cho thí sinh sau khi biết điểm thi, GS.TS Đức nhấn mạnh: "trên cơ sở phổ điểm, các trường sẽ đưa ra ngưỡng xét tuyển từng ngành. Thí sinh cần nghiên cứu kỹ từng trường, từng lĩnh vực để đăng ký nguyện vọng phù hợp".
PGS.TS Nguyễn Đức Sơn, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, đánh giá phổ điểm năm nay cho phép các trường đại học yên tâm sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT để tuyển sinh, đồng thời nhấn mạnh kỳ thi 2025 có nhiều đổi mới tích cực, đáng chú ý là ứng dụng kỹ thuật khảo thí hiện đại.
"Đề thi bám sát Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, tích hợp nhiều tình huống thực tiễn, phản ánh rõ xu hướng đánh giá năng lực, trong khi học sinh đã dần thích ứng với cách học và thi mới", ông nhấn mạnh.
Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 không chỉ là thước đo năng lực mà còn mở ra cơ hội vàng cho thí sinh lựa chọn ngành nghề phù hợp trong bối cảnh đổi mới giáo dục và nhu cầu xã hội ngày càng đa dạng. Với điểm chuẩn top đầu giữ vững và nhiều ngành nghề tiềm năng, thí sinh hãy nắm bắt cơ hội, xây dựng chiến lược thông minh, hiểu rõ năng lực bản thân để bước vào cánh cửa đại học một cách tự tin và thành công.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận