Sáng 15/5, Quốc hội nghe tờ trình và báo cáo thẩm tra dự thảo Nghị quyết của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Nội quy kỳ họp Quốc hội, ban hành kèm theo Nghị quyết số 71/2022/QH15 của Quốc hội.

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Lê Quang Tùng trình bày tờ trình. Ảnh: Media Quốc hội.
Trình bày tờ trình, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Lê Quang Tùng cho biết Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị bổ sung một khoản quy định về việc quyết định cơ cấu tổ chức của Chính phủ tại các kỳ họp sau kỳ họp thứ nhất của mỗi khóa Quốc hội trong trường hợp cần thiết.
Việc này nhằm bảo đảm phù hợp với Luật Tổ chức Chính phủ và bao quát đầy đủ các trường hợp như đã thực hiện trên thực tế.
Theo nội quy kỳ họp Quốc hội hiện hành, Quốc hội chỉ quyết định cơ cấu tổ chức của Chính phủ tại kỳ họp thứ nhất của mỗi khóa Quốc hội.
Đồng thời, ông Tùng cho hay, dự thảo nghị quyết sửa đổi, bổ sung quy định về quyết định thành lập, bãi bỏ cơ quan; quyết định thành lập, giải thể, nhập, chia đơn vị hành chính, điều chỉnh địa giới và đổi tên đơn vị hành chính cấp tỉnh, đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt để bảo đảm phù hợp với quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2025.
Trong đó, dự thảo nghị quyết bổ sung nội dung "đổi tên đơn vị hành chính"; không quy định cụ thể về trình tự xem xét, thông qua mà dẫn chiếu quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương đối với trình tự quyết định thành lập, giải thể, nhập, chia đơn vị hành chính, điều chỉnh địa giới và đổi tên đơn vị hành chính cấp tỉnh, đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt.
Không quy định riêng về trình tự quyết định thành lập, bãi bỏ bộ, cơ quan ngang bộ, thay vào đó, sửa đổi theo hướng quy định khái quát trình tự quyết định thành lập, bãi bỏ cơ quan.
Trong đó, cơ quan trình có trách nhiệm tổ chức nghiên cứu, giải trình, tiếp thu và báo cáo Quốc hội về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo nghị quyết về việc thành lập, bãi bỏ cơ quan.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp Hoàng Thanh Tùng trình bày báo cáo thẩm tra. Ảnh: Media Quốc hội.
Thẩm tra nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp Hoàng Thanh Tùng cho biết Ủy ban đề nghị giữ lại quy định về trình tự xem xét, quyết định việc thành lập, giải thể, nhập, chia đơn vị hành chính, điều chỉnh địa giới và đổi tên đơn vị hành chính cấp tỉnh, đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt theo Nội quy kỳ họp Quốc hội hiện hành, chỉ sửa đổi về cơ quan trình báo cáo thẩm tra cho phù hợp.
Lý do là vì trong Luật Tổ chức chính quyền địa phương hiện hành và dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) đang trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 9 và các nghị quyết có liên quan của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đều không quy định về trình tự Quốc hội xem xét, quyết định việc thành lập, giải thể, nhập, chia đơn vị hành chính, điều chỉnh địa giới và đổi tên đơn vị hành chính cấp tỉnh, đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt.
Nội quy kỳ họp Quốc hội chỉ quy định về trình tự Quốc hội xem xét, quyết định những nội dung mà các luật, nghị quyết khác của Quốc hội chưa quy định.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận