Thời sự Xây dựng Giao thông Kinh tế Pháp luật Chất lượng sống Văn hóa - Giải trí Thể thao Công nghệ Thế giới Đi ++ Video Multimedia

Quốc hội thông qua nghị quyết về sửa đổi, bổ sung Hiến pháp 2013

05/05/2025, 16:21

Chiều 5/5, với 100% ĐBQH có mặt tán thành, Quốc hội thông qua nghị quyết về đề nghị sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013.

100% đại biểu tán thành 

Cụ thể, có 452/452 (tỉ lệ 100%) ĐBQH tham gia tán thành Nghị quyết của Quốc hội về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013.

Quốc hội thông qua nghị quyết về sửa đổi, bổ sung Hiến pháp 2013- Ảnh 1.

Các đại biểu Quốc hội bấm nút thông qua nghị quyết về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013. (Ảnh: Media Quốc hội).

Trước khi các ĐBQH chính thức bấm nút thông qua, Tổng thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Lê Quang Tùng trình bày dự thảo nghị quyết.

Theo đó, Quốc hội quyết định xem xét sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 để thực hiện chủ trương sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị.

Trong đó tập trung vào các quy định về Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và việc phân định đơn vị hành chính, tổ chức chính quyền địa phương.

Quốc hội quyết định thành lập Ủy ban dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 để chủ trì, phối hợp với các cơ quan thực hiện nhiệm vụ xây dựng dự án Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 và trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 9.

Quốc hội thông qua nghị quyết về sửa đổi, bổ sung Hiến pháp 2013- Ảnh 2.

ĐBQH Nguyễn Tâm Hùng (Đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu) tham gia thảo luận tại hội trường (Ảnh: Media Quốc hội).

Nêu ý kiến tại phiên thảo luận, các ĐBQH nhất trí cao sự cần thiết phải sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 2013 theo yêu cầu của thực tiễn.

ĐBQH Nguyễn Tâm Hùng (Đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu) đánh giá cao việc sửa đổi, bổ sung lần này tập trung vào ba nội dung trọng yếu, đúng và trúng vào các nút thắt thể chế.

Để Hiến pháp thật sự là bản kế ước giữa nhân dân và Nhà nước vì sự phát triển phồn thịnh của đất nước, đáp ứng kỳ vọng lớn lao của nhân dân, cử tri cả nước, thể hiện trách nhiệm lịch sử của Quốc hội khóa XV, ĐBQH Đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu đề nghị Ủy ban dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 chủ động xây dựng lộ trình tham vấn xã hội rộng rãi, khoa học để dân biết, dân bàn, dân góp ý và người dân đồng thuận cao.

Việc xây dựng tiêu chuẩn kỹ thuật lập hiến cần theo hướng ngôn ngữ rõ ràng, nhất quán, tránh để phải giải thích về sau.

Ngoài ra cần hiến định mô hình chính quyền địa phương hai cấp phù hợp với thực tiễn đổi mới của đất nước, để xây dựng nền hành chính hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả; tái định hình tư duy quản trị quốc gia, đáp ứng yêu cầu đổi mới của đất nước trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Quốc hội thông qua nghị quyết về sửa đổi, bổ sung Hiến pháp 2013- Ảnh 3.

ĐBQH Nguyễn Thị Lan Anh (Đoàn Lào Cai) góp ý vào dự thảo hai nghị quyết (Ảnh: Media Quốc hội).

Còn theo ĐBQH Nguyễn Thị Lan Anh (Đoàn Lào Cai), đại biểu đồng tình thể chế hóa chính quyền hai cấp. Tuy nhiên, phải có quy định trực tiếp, rõ ràng, phải có lộ trình cụ thể để đảm bảo quá trình sắp xếp, sáp nhập không bị gián đoạn hoạt động quản lý Nhà nước, nhất là địa phương vùng cao, vùng sâu…

Về việc thành lập Ủy ban dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013, ĐBQH đoàn Lào Cai kiến nghị phân công rõ đầu mối chịu trách nhiệm tiếp thu, giải trình ý kiến của nhân dân, các ngành, các cấp.

"Đây là giai đoạn quyết định chất lượng và tính đồng thuận cơ bản. Đồng thời, cần có quy định về việc báo cáo định kỳ tiến độ nhằm đảm bảo Quốc hội có thể giám sát chặt chẽ quá trình xây dựng dự thảo", bà Lan Anh nói.

Việc lấy ý kiến của nhân dân cần được thực hiện công khai, dân chủ, nghiêm túc, thực chất, đa dạng về hình thức phù hợp với từng nhóm đối tượng.

Trước yêu cầu lấy ý kiến của nhân dân trong thời gian một tháng, ĐBQH Lan Anh cho rằng cần có sự chỉ đạo quyết liệt, ban hành hướng dẫn rõ ràng, cụ thể, đảm bảo tổng hợp, tiếp thu, giải trình ý kiến được thực hiện công khai, minh bạch, thể hiện rõ tinh thần cầu thị và sự tôn trọng tiếng nói của nhân dân.

Chiều nay sẽ thông qua kế hoạch tổ chức lấy ý kiến sửa đổi Hiến pháp

Tiếp thu, giải trình các ý kiến đại biểu, Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật và Tư pháp Hoàng Thanh Tùng cho biết, qua tổng hợp 44 ý kiến phát biểu tại tổ và 4 ý kiến tại thảo luận hội trường, có thể thấy các ĐBQH tán thành cao với dự thảo nghị quyết.

Báo cáo thêm một số nội dung các đại biểu quan tâm, ông Tùng cho hay Ủy ban dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 sẽ họp ngay sau phiên họp này để xem xét quyết định nội dung theo thẩm quyền và sẽ tiếp thu ý kiến các ĐBQH.

Quốc hội thông qua nghị quyết về sửa đổi, bổ sung Hiến pháp 2013- Ảnh 4.

Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật và Tư pháp Hoàng Thanh Tùng tiếp thu giải trình các ý kiến ĐBQH (Ảnh: Media Quốc hội).

Giải trình về một số ý kiến đề nghị xây dựng lộ trình lấy ý kiến nhân dân, kỹ thuật lập pháp, lập hiến, các quy định cụ thể..., Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật và Tư pháp cho biết, theo quy trình sửa đổi bổ sung Hiến pháp, ở bước này, Quốc hội chỉ quyết định về chủ trương cho phép tiến hành bổ sung Hiến pháp, chưa quyết định về mặt nội dung.

Tới ngày 7/5, dự kiến, Ủy ban dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 sau khi họp và thống nhất dự thảo Nghị quyết và hồ sơ sửa đổi bổ sung một số điều Hiến pháp thì mới trình Quốc hội dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều Hiến pháp trong đó đề cập cụ thể các điều.

"Đến thời điểm này, chưa có cơ sở để quy định cụ thể sửa đổi những điều nào", ông Tùng nói.

Giải thích lý do không thêm từ "Quốc gia" trong tên Uỷ ban dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013, ông Tùng cho biết, Hiến pháp nêu rõ, tuỳ phạm vi sửa đổi sẽ có tên gọi khác nhau.

Trong phạm vi sửa đổi lần này sẽ có tên là "Ủy ban dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013" và trong tên không có từ Quốc gia.

"Uỷ ban này rất quan trọng, chịu trách nhiệm trước Quốc hội về việc xây dựng dự thảo, tổ chức lấy ý kiến nhân dân, tổng hợp tiếp thu giải trình ý kiến của nhân dân, các ngành, cấp để hoàn thiện dự thảo nghị quyết, trình Quốc hội thông qua", ông Tùng nêu rõ.

Về thành phần Uỷ ban, ông Tùng cho hay: "Trong 15 thành viên dự kiến tham gia Uỷ ban, đã có sự cân nhắc hết sức kỹ lưỡng gồm đại diện các cơ quan tổ chức trung ương có liên quan đến phạm vi sửa đổi bổ sung trong Hiến pháp, đại diện các bộ, ngành, cơ quan của Đảng cũng như các cơ quan Quốc hội, Chính phủ…"

Thông tin thêm, Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật và Tư pháp cho biết, dự kiến ngay sau phiên họp chiều nay, Uỷ ban sẽ thông qua kế hoạch tổ chức lấy ý kiến nhân dân, các ngành, các cấp về dự thảo nội dung sửa đổi, bổ sung Hiến pháp.

Trong đó, quy định cụ thể lộ trình, các công việc cần thiết, trách nhiệm của các cơ quan liên quan, công việc cần thực hiện để việc lấy ý kiến được thực chất và việc tiếp thu giải trình được đảm bảo thấu đáo, toàn diện.

Chính phủ chịu trách nhiệm tổ chức việc lấy ý kiến nhân dân ở các địa phương, bộ ngành trong đó có tổ chức toạ đàm, dự thảo. 

Chủ tịch Quốc hội làm Chủ tịch Ủy ban dự thảo sửa đổi, bổ sung Hiến phápChủ tịch Quốc hội làm Chủ tịch Ủy ban dự thảo sửa đổi, bổ sung Hiến pháp

Quốc hội thông qua Nghị quyết về việc thành lập Ủy ban dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 với 15 thành viên, do Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn làm Chủ tịch Ủy ban.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.