Thời sự Xây dựng Giao thông Kinh tế Pháp luật Chất lượng sống Văn hóa - Giải trí Thể thao Công nghệ Thế giới Đi ++ Video Multimedia
Báo Xây dựng - Tin tức trong ngày, tin mới nhất, tin nhanh 24h Đường bộ

"Sợi chỉ đỏ" trên hành trình phát triển Đèo Cả

"Sợi chỉ đỏ" trên hành trình phát triển Đèo Cả

17/07/2025, 12:59

Không chỉ là thương hiệu hàng đầu về hạ tầng giao thông, Tập đoàn Đèo Cả còn tạo ấn tượng bởi văn hoá tri ân nguồn cội và sự quan tâm, sẻ chia với những người lao động đang ngày đêm cống hiến trí tuệ, sức lực, góp phần phát triển doanh nghiệp.

Trở về nguồn cội

Đều đặn chiều giáp Tết, đám trẻ tại cô nhi viện Mằng Lăng (Đắk Lắk) lại đón đoàn các bác, các cô chú quen thuộc từ Tập đoàn Đèo Cả về thăm.

"Sợi chỉ đỏ" trên hành trình phát triển Đèo Cả- Ảnh 1.

Mỗi dịp Tết, ông Hồ Minh Hoàng cùng gia đình và các cộng sự của mình lại đến Cô nhi viện Mằng Lăng để thăm hỏi và sẻ chia với các em nhỏ.

Gác lại những lo toan, ông Hồ Minh Hoàng, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đèo Cả cũng đều đặn trở về quê nhà, trao gửi yêu thương, bù đắp những thiếu thốn và chứng kiến sự khôn lớn qua từng năm của những đứa trẻ.

Sinh ra ở Bình Định, lớn lên ở Phú Yên (nay là tỉnh Đắk Lắk), ông Hồ Minh Hoàng được nuôi dưỡng bởi truyền thống gia đình cách mạng, dòng dõi họ Hồ huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An). Ông nội và bà nội ông là liệt sỹ, cha tham gia hoạt động cách mạng.

Ít ai biết, trước khi trở thành người lèo lái Tập đoàn Đèo Cả, ông Hồ Minh Hoàng từng ấp ủ dự định trở thành giảng viên đại học. Song, ước mơ lên giảng đường được gác lại để trở về quê nhà thay cha gánh vác công việc kinh doanh của hợp tác xã đang trên bờ vực đổ vỡ.

Nhiều người xem đó là bước lùi của tuổi trẻ, nhưng ông Hoàng coi đây là bổn phận của người con với gia đình. Nối nghiệp không phải chỉ để giữ gìn cơ ngơi mà để giữ trọn đạo hiếu tri ân với bậc sinh thành.

Từ đó, mảnh đất Tuy Hòa nắng gió, vốn là vùng trũng giao thông của miền Trung, đã "ươm mầm" một doanh nghiệp đóng vai trò thay đổi hệ thống hạ tầng của đất nước.

Giai đoạn triển khai dự án hầm Đèo Cả, ông Hồ Minh Hoàng cùng các cộng sự đã đối mặt không ít thách thức. Nhưng bằng khát khao cháy bỏng làm điều ý nghĩa tri ân quê hương và gia đình, họ đã nỗ lực làm nên những điều tưởng như không thể.

"Công trình hầm đường bộ Đèo Cả là ân nợ tôi tự nhận với quê nhà, vùng đất đã nuôi tôi lớn và trưởng thành với sự gai góc, khắt khe của người miền Trung giữa nắng gió khắc nghiệt", lời bộc bạch chân thành ấy trong ngày hoàn thành công trình của ông Hồ Minh Hoàng khiến nhiều người không khỏi xúc động.

Đến nay, Đèo Cả bước sang năm thứ 40 hình thành, phát triển với vị thế hàng đầu trong lĩnh vực hạ tầng giao thông, hình ảnh ông Hồ Minh Hoàng cùng các cộng sự trở về nhà thờ họ Hồ (Quỳnh An, Nghệ An) đã trở thành một phần không thể thiếu trong văn hóa tri ân của Đèo Cả.

Với Tập đoàn Đèo Cả, tri ân là những hành động cụ thể, được thể hiện bằng sự quan tâm sâu sắc đến từng bậc sinh thành, từng gia đình đang âm thầm làm hậu phương cho những người con làm nghề "phu đường".

Rưng rưng xúc động pha lẫn niềm tự hào, bà Ngô Thị Kiệm (75 tuổi), trú tại xã Cát Ngạn (Nghệ An) cho biết gia đình vô cùng vinh dự khi con trai mình, anh Phan Văn Thắng, Phó chủ tịch Tập đoàn Đèo Cả, đang đóng góp sức mình để kiến tạo nên những công trình trọng điểm khắp ba miền Tổ quốc.

Nhắc đến Chủ tịch HĐQT Hồ Minh Hoàng với cách gọi thân tình "anh Hoàng", bà Kiệm cũng không quên những lần về thăm gia đình cộng sự, lãnh đạo Tập đoàn Đèo Cả ai cũng cư xử như con cái trong nhà, giản dị từ lời ăn tiếng nói. "Nghĩa tình của Tập đoàn Đèo Cả khiến gia đình tôi trân trọng và cảm phục", bà Kiệm nói.

"Sợi chỉ đỏ" trên hành trình phát triển Đèo Cả- Ảnh 2.

Những chuyến về thăm gia đình các cộng sự đã trở thành hành trình quen thuộc của Chủ tịch Tập đoàn Đèo Cả Hồ Minh Hoàng mỗi dịp Xuân sang.

Giữ lửa tri ân

Tinh thần tri ân không dừng lại ở câu chuyện riêng lẻ của những người đứng đầu, mà trở thành sợi chỉ đỏ trong văn hóa của cả Tập đoàn Đèo Cả.

Mỗi dịp cuối năm, chương trình gặp mặt, tri ân đội ngũ nhân viên tiêu biểu đều được tập đoàn tổ chức.

Họ là những cán bộ, kỹ sư dành cả tuổi trẻ bám trụ nơi công trường dự án, những công nhân cứu hộ làm việc xuyên lễ, Tết cho những hành trình hồi hương an toàn, những nhân viên cấp dưỡng, tạp vụ, lái xe cần mẫn, gắn bó với doanh nghiệp cả thập kỷ.

Ông Hồ Minh Hoàng, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đèo Cả khẳng định: "Con người và văn hóa là hai thứ không thể vay mượn".

Đối với ban lãnh đạo Đèo Cả, hơn 8.000 cán bộ, người lao động là những mảnh ghép làm nên bức tranh Đèo Cả hôm nay, có hy sinh và cả những mất mát khó lòng đong đếm hết.

"Sợi chỉ đỏ" trên hành trình phát triển Đèo Cả- Ảnh 3.
"Sợi chỉ đỏ" trên hành trình phát triển Đèo Cả- Ảnh 4.

Sân chơi thể thao được bố trí tại khu điều hành tất cả các dự án của Tập đoàn Đèo Cả để người lao động rèn luyện sức khỏe và gắn kết.

Thấu hiểu nỗi vất vả trong môi trường làm việc khắc nghiệt, nắng gió, các đợt khám sức khỏe chuyên sâu định kỳ được Đèo Cả tổ chức ngay tại công trường. Điều kiện làm việc tại các dự án luôn được đảm bảo tốt nhất, bảo hộ lao động và các biện pháp nâng cao sức khỏe cho người lao động ngày một được cải tiến nâng cao.

Nhiều năm qua, người lao động tại các công trường của Đèo Cả dần quen với sự hiện diện của điềuhoà nhiệt độ, bình nóng lạnh, tủ thuốc y tế, sân chơi thể thao, những bữa ăn đầy đủ chất dinh dưỡng…

Mỗi dịp lễ Tết truyền thống, những phần quà ý nghĩa được trao tận tay gia đình các cán bộ, công nhân viên cùng lời cảm ơn ấm áp tới "hậu phương" của những người Đèo Cả.

Những chuyến xe cuối năm đưa người lao động trở về quê ăn Tết và đón họ quay lại công trường đã gắn liền với nhịp sống tại các dự án.

Tinh thần tương thân, tương ái của tập thể Người Đèo Cả còn được thể hiện rõ nét qua những lần phát động chương trình lập quỹ hỗ trợ cho những gia đình lao động gặp hoàn cảnh khó khăn.

"Tri ân là giá trị cốt lõi song hành cùng khát vọng và tinh thần kiên định của Tập đoàn Đèo Cả. Giá trị tri ân của chúng tôi không phải là khẩu hiệu hay lời nói mà chạm tới từng trái tim con người bằng các chế độ và chính sách phúc lợi thiết thực dành cho toàn thể người lao động.

Tri ân với Người Đèo Cả không chỉ là lời nói cảm ơn mà là thái độ sống, là cách ứng xử đầy nhân văn, hun đúc nên bản sắc văn hóa rất riêng và tinh thần phụng sự xuyên suốt hành trình phát triển", ông Nguyễn Hữu Hùng, Phó chủ tịch Tập đoàn Đèo Cả chia sẻ.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.