Những tín hiệu tích cực bước đầu
Từ ngày 1/7, cả nước chính thức vận hành mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, đánh dấu bước chuyển mình quan trọng trong công cuộc cải cách tổ chức, hoạt động của chính quyền địa phương, hướng tới nền hành chính chuyên nghiệp, hiệu quả, gần dân.

Từ ngày 1/7, cả nước chính thức vận hành mô hình chính quyền địa phương hai cấp (Ảnh Trí Đức).
Trao đổi với Báo Xây dựng, ông Phan Trung Tuấn, Vụ trưởng Vụ Chính quyền địa phương (Bộ Nội vụ) cho biết, sau hơn 10 ngày toàn bộ chính quyền địa phương của 34 tỉnh, thành phố và 3.321 xã, phường, đặc khu chính thức hoạt động theo mô hình mới, đã ghi nhận những tín hiệu tích cực.
Tại các xã, phường, hoạt động tổ chức các hội nghị, kỳ họp diễn ra đúng tiến độ và trình tự quy định. Công tác hành chính, tiếp nhận và xử lý văn bản, chỉ đạo điều hành, tiếp công dân và cung cấp dịch vụ công được tổ chức bài bản.
Đến nay, các xã, phường, đặc khu tại các tỉnh, thành phố đã ban hành các nghị quyết, quyết định thành lập các cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Ủy ban nhân dân cấp xã.
Việc bàn giao, tiếp nhận con dấu giữa các cơ quan, đơn vị của chính quyền địa phương cấp tỉnh, cấp xã cũng đã cơ bản hoàn tất.
Song song đó, các địa phương cũng tích cực rà soát, đảm bảo cơ sở vật chất, trang thiết bị làm việc, thiết lập quy trình xử lý công việc hành chính.
Tuy nhiên, theo Vụ trưởng Vụ Chính quyền địa phương, dù đạt được nhiều kết quả bước đầu rất tích cực, song quá trình vận hành không tránh khỏi những khó khăn, vướng mắc, nhất là trong việc kiện toàn tổ chức bộ máy, chức năng, nhiệm vụ và thực hiện các nhiệm vụ mới.
Đơn cử, một số địa phương chưa kịp thời ban hành các quy định về chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp xã; việc cập nhật, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức bộ máy của các cơ quan chuyên môn thuộc UBND chưa được tiến hành đồng bộ ở tất cả các địa phương.
Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương, một số công chức, đặc biệt ở bộ phận một cửa của Trung tâm hành chính công, còn lúng túng bước đầu trong việc tiếp cận quy trình xử lý hồ sơ dịch vụ công trực tuyến do mới tiếp cận công việc.
"Áp lực công việc cũng là một thách thức lớn khi cán bộ, công chức cấp xã vừa phải thực hiện nhiệm vụ của chính quyền địa phương cấp xã đang thực hiện, còn phải thực hiện các nhiệm vụ của cấp huyện sau khi kết thúc hoạt động, các nhiệm vụ phân cấp, phân quyền từ cấp tỉnh", ông Tuấn nói.
Trong khi đó, các nhiệm vụ, quyền hạn lần đầu tiên được phân cấp, phân quyền đòi hỏi cấp xã phải rà soát các văn bản quy phạm pháp luật mới ban hành để điều chỉnh cho phù hợp.
Ngoài ra, công tác lưu trữ hồ sơ, tài liệu, việc số hóa hồ sơ, tài liệu của chính quyền địa phương cấp huyện trước đây gặp một số khó khăn ban đầu, do các trung tâm lưu trữ không đủ diện tích, điều kiện bảo quản; việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và tra cứu tài liệu còn gặp một số khó khăn.

Công tác tiếp nhận và xử lý văn bản, tiếp công dân và cung cấp dịch vụ công tại cấp xã (mới) bước đầu tạo được sự đồng thuận và tin tưởng của nhân dân (Ảnh Viết Dũng).
Nhận diện khó khăn, chủ động giải quyết
Nhận diện rõ những thách thức này, Bộ Nội vụ, với vai trò là cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo của Chính phủ, đã và đang duy trì việc tiếp nhận các phản ánh, kiến nghị, khó khăn, vướng mắc từ các địa phương, người dân, doanh nghiệp trong quá trình vận hành chính quyền địa phương hai cấp.
Bộ đã tiếp nhận và giải quyết 60 phản ánh, kiến nghị từ 1-7/7 thông qua Cổng Thông tin điện tử của Bộ Nội vụ.
Thông qua nhóm báo cáo Zalo hàng ngày, hàng tuần (với sự tham gia của lãnh đạo Bộ, Vụ chuyên môn của Bộ Nội vụ và Giám đốc Sở Nội vụ 34 tỉnh, thành phố), từ 1-8/7, Bộ đã tiếp nhận 40 đề xuất, kiến nghị, qua đó đã hướng dẫn giải quyết trực tiếp qua nhóm Zalo, điện thoại và thông qua văn bản.
Bằng nhiều hình thức nắm bắt thông tin, Bộ Nội vụ đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan tiến hành đánh giá các khó khăn, vướng mắc tại một số địa phương, từ đó kịp thời hướng dẫn địa phương tháo gỡ.
Đồng thời, các Bộ, cơ quan ngang Bộ cũng tăng cường hoạt động của các tổ thường trực, tổ công tác, đường dây nóng (Zalo, điện thoại), chuyên trang, chuyên mục để tiếp nhận phản ánh, kiến nghị của địa phương, chủ động giải quyết theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền xem xét, giải quyết.
"Mặc dù vẫn còn một số khó khăn, thách thức bước đầu, nhưng với sự chỉ đạo sát sao, kịp thời của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự chủ động của các bộ, ngành liên quan, cùng sự nỗ lực của các địa phương, những vướng mắc ban đầu sẽ nhanh chóng được tháo gỡ, bộ máy sẽ vận hành ổn định, thông suốt hơn trong thời gian tới", ông Tuấn chia sẻ.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận