Thời sự Xây dựng Giao thông Kinh tế Pháp luật Chất lượng sống Văn hóa - Giải trí Thể thao Công nghệ Thế giới Đi ++ Video Multimedia
Báo Xây dựng - Tin tức trong ngày, tin mới nhất, tin nhanh 24h Thế giới giao thông

Vụ rơi máy bay Air India: Công tắc nhiên liệu có vai trò quan trọng như thế nào?

Vụ rơi máy bay Air India: Công tắc nhiên liệu có vai trò quan trọng như thế nào?

13/07/2025, 10:05

Công tắc nhiên liệu đang bị nghi liên quan tới nguyên nhân vụ tai nạn máy bay Air India. Báo cáo sơ bộ từ nhóm điều tra cho thấy chỉ vài giây sau khi cất cánh, hai công tắc nhiên liệu động cơ bị chuyển sang chế độ tắt khiến máy bay mất kiểm soát.

Theo hãng tin Reuters, công tắc nhiên liệu trên máy bay dùng để điều chỉnh dòng nhiên liệu cấp vào động cơ máy bay. Chúng được sử dụng để khởi động hoặc tắt động cơ khi máy bay ở dưới mặt đất, hoặc để tắt/mở lại động cơ thủ công nếu xảy ra sự cố khi đang bay.

Vụ rơi máy bay Air India: Công tắc nhiên liệu có vai trò quan trọng như thế nào?- Ảnh 1.

Hiện trường vụ tai nạn máy bay Air India (Ảnh: Bloomberg).

Theo các chuyên gia hàng không, việc tắt/mở công tắc nhiên liệu không thể xảy ra vô tình bởi để làm được điều đó phi công phải thực hiện một loạt thao tác.

Song, trong trường hợp công tắc nhiên liệu bị chuyển sang chế độ tắt, tác động của việc này diễn ra ngay lập tức khiến động cơ bị mất công suất hoàn toàn.

Đối với những chiếc Boeing 787 được trang bị động cơ do hãng General Electrics chế tạo như trong trường hợp của chiếc máy bay Air India, hai công tắc điều khiển nhiên liệu được đặt phía dưới cần điều khiển lực đẩy.

Cả hai công tắc đều có lò xo giúp chúng luôn giữ nguyên vị trí. Việc tắt/mở công tắc nhằm thay đổi chế độ cung cấp nhiên liệu cho động cơ máy bay vì thế cũng không hề dễ dàng.

Cụ thể, muốn chuyển từ chế độ RUN (bật) để cung cấp nhiên liệu cho động cơ sang chế độ CUTOFF (tắt) để ngắt nhiên liệu khiến động cơ dừng hoạt động, phi công phải kéo công tắc lên rồi gạt được đẩy sang vị trí mới.

Theo dữ liệu từ hộp đen máy bay Air India chỉ vài giây sau khi cất cánh, công tắc nhiên liệu của cả hai động cơ lần lượt bị chuyển sang chế độ CUTOFF, cách nhau khoảng 1 giây khiến cả hai động cơ đều mất lực đẩy.

Một phi công được nghe thấy hỏi người còn lại: "Tại sao anh lại tắt nhiên liệu?" trong khi người còn lại đáp rằng "Tôi không làm". Ngay sau đó, công tắc lại được chuyển về chế độ RUN.

Khi công tắc nhiên liệu được chuyển từ chế độ CUTOFF sang chế độ RUN trong lúc đang bay, hệ thống sẽ tự động kích hoạt quy trình đánh lửa lại và phục hồi lực đẩy động cơ.

Tuy nhiên, quá trình này có thể kéo dài vài giây để động cơ phục hồi hoàn toàn do đó phi công không có đủ thời gian để cứu vãn tình hình bởi máy bay của hãng Air India vừa cất cánh ở độ cao thấp.

Hiện, chưa rõ vì sao công tắc nhiên liệu của máy bay Air India bị chuyển sang chế độ CUTOFF khi máy bay đang bay ổn định chỉ vài giây sau khi rời đường băng. Nhiều giả thiết đã được đưa ra bao gồm lỗi kỹ thuật, phi công thao tác sai, hoặc trục trặc hệ thống điều khiển điện tử.

Hiện, lực lượng chức năng vẫn đang tiếp tục điều tra nhằm làm rõ nguyên nhân cụ thể của vụ việc.

Ngày 12/6, chiếc Boeing 787-8 Dreamliner của hãng hàng không Air India bị rơi khi chở theo 230 hành khách (169 người Ấn Độ, 53 người Anh, 7 người Bồ Đào Nha, 1 người Canada) và 12 thành viên phi hành đoàn.

Ban đầu, số người thiệt mạng được công bố là 279, nhưng các chuyên gia pháp y đã điều chỉnh xuống còn 260 sau khi nhận dạng các thi thể bị cháy đen tại hiện trường.

Theo chính phủ Ấn Độ, Cơ trưởng điều khiển chiếc máy bay Air India gặp nạn là ông Sumeet Sabharwal, 56 tuổi, một phi công dày dặn kinh nghiệm. Ông Sabharwal có tổng số 15.638 giờ bay đồng thời là giảng viên huấn luyện phi công của hãng Air India.

Người đồng hành cùng ông Sabharwal trong chuyến bay nói trên là Cơ phó Clive Kunder, 32 tuổi, với kinh nghiệm 3.403 giờ bay.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.