Theo báo cáo dài 15 trang, ngay sau khi máy bay đạt tốc độ tối đa, hai công tắc nhiên liệu của động cơ số 1 và số 2 lần lượt chuyển từ chế độ hoạt động (RUN) sang chế độ ngắt hoạt động (CUTOFF) cách nhau 1 giây.

Công tắc điều khiển nhiên liệu động cơ của chiếc máy bay Air India gặp nạn hồi tháng 6 đã bị ngắt chỉ vài giây trước khi máy bay rơi, khiến 260 người thiệt mạng. (Ảnh: Reuters)
Ghi âm buồng lái cho thấy một phi công đã hỏi đồng nghiệp: "Tại sao lại cắt nhiên liệu?". Phi công còn lại cho biết đã không làm như vậy. Sau đó, máy bay nhanh chóng mất độ cao.
Dù các công tắc đã được chuyển lại chế độ "RUN" và động cơ có dấu hiệu tăng công suất, một phi công vẫn phát tín hiệu khẩn cấp trước khi máy bay rơi gần Ahmedabad (Ấn Độ), trên hành trình bay từ Ấn Độ đi London (Anh).
Nhân viên kiểm soát không lưu hỏi phi công chuyện gì đã xảy ra, nhưng sau đó phát hiện máy bay bị rơi nên đã gọi lực lượng cứu hộ khẩn cấp đến hiện trường.
Báo cáo cũng cho biết vào năm 2018, Cục Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) từng ban hành khuyến cáo về tính năng khóa công tắc nhiên liệu bị vô hiệu hóa.
Air India xác nhận không kiểm tra tính năng này do đây chỉ là khuyến nghị. Tuy nhiên, hãng vẫn tuân thủ đầy đủ những yêu cầu đảm bảo điều kiện bay.
AAIB cũng khẳng định chưa có khuyến cáo nào đối với dòng Boeing 787-8 hoặc động cơ GE GEnx-1B, không phát hiện lỗi kỹ thuật từ động cơ hoặc máy bay.
Cuộc điều tra vẫn đang tiếp diễn với sự tham gia của chuyên gia Mỹ và Anh, trong khi Boeing chưa đưa ra phản hồi.
Ngày 12/6, chiếc Boeing 787-8 Dreamliner của hãng hàng không Air India đã bị rơi khi chở theo 230 hành khách (169 người Ấn Độ, 53 người Anh, 7 người Bồ Đào Nha, 1 người Canada) và 12 thành viên phi hành đoàn. Nhiều người dưới mặt đất cũng gặp nạn.
Ban đầu, số người thiệt mạng được công bố là 279, nhưng các chuyên gia pháp y đã điều chỉnh xuống còn 260 sau khi nhận dạng các thi thể bị cháy đen tại hiện trường.
Trong khi đó, 1 hành khách quốc tịch Anh đã sống sót kỳ diệu sau vụ rơi máy bay.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận