Chiều 15/5, Quốc hội họp tổ về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về cơ chế, chính sách phát triển kinh tế tư nhân.
Góp ý vào nội dung "Thanh tra đối với mỗi doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh không được quá 1 lần trong năm, trừ trường hợp có bằng chứng vi phạm rõ ràng, đại biểu Quốc hội Trần Quốc Tuấn (đoàn Trà Vinh) cho rằng quy định như vậy là hoàn toàn phù hợp với chủ trương của Đảng, nhà nước để tạo mọi điều kiện thuận lợi cho kinh tế tư nhân phát triển lớn mạnh.

Đại biểu Quốc hội Trần Quốc Tuấn (đoàn Trà Vinh) góp ý vào dự thảo Nghị quyết. Ảnh: Media Quốc hội.
Song, đại biểu rất lo lắng nếu các quy định không rõ ràng, sẽ tạo khoảng trống pháp lý, dễ bị lợi dụng.
Theo ông, muốn kinh tế tư nhân phát triển lớn mạnh, thì các quy định pháp luật phải được thiết kế chặt chẽ, thông thoáng và ban hành theo hướng hỗ trợ đặc biệt để tạo thuận lợi tối đa, giúp cho doanh nghiệp tư nhân thật sự là động lực chính cho tăng trưởng kinh tế quốc gia.
Tuy nhiên, các quy định đó cũng phải đảm bảo hài hòa lợi ích của cả hai nhóm đối tượng liên quan mật thiết với doanh nghiệp tư nhân, đó là Nhà nước và người tiêu dùng, cộng đồng xã hội.
Đại biểu cho rằng, các quy định pháp luật tuyệt đối không vì hỗ trợ cho doanh nghiệp tư nhân mà bỏ sót quyền và lợi ích hợp pháp của Nhà nước và người tiêu dùng, cộng đồng xã hội.
Nêu một số vụ việc điển hình gây bức xúc cho xã hội như sữa giả, thực phẩm chức năng giả, vụ lòng xe điếu… gây tổn hại nghiêm trọng đến sức khỏe người tiêu dùng, đại biểu đặt câu hỏi: "Những người uống sữa giả, thực phẩm chức năng giả đó… có được bồi thường thiệt hại hay không?".
Nói cách khác, "quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng có được pháp luật bảo vệ hay sẽ bị lãng quên và đi vào dĩ vãng?".
Bên cạnh đó, đại biểu Tuấn chỉ ra, trên thực tế, vẫn có một số doanh nghiệp có khả năng vi phạm pháp luật về sản xuất hàng giả; vi phạm về các quy định an toàn thực phẩm... bất kể thời điểm nào.
Nếu dự thảo Nghị quyết chỉ quy định thanh tra 1 lần trong năm, mà thiếu sự phối hợp đầy đủ của các cơ quan chuyên ngành liên quan thì không thể phát hiện ra hành vi vi phạm nêu trên.
Do đó, đại biểu Tuấn đề nghị cần bổ sung cơ chế phối hợp giữa cơ quan thanh tra, kiểm tra với các cơ quan khác có liên quan để đảm bảo việc thanh tra và kiểm tra không quá một lần trong năm, nhưng được tổ chức thực hiện một cách hiệu quả và không trùng lặp.
"Có như vậy, sẽ vừa hỗ trợ cho doanh nghiệp không mất thời gian phải tiếp các đoàn thanh tra, nhưng cũng giúp ngăn ngừa khả năng một số doanh nghiệp không chân chính sẽ lợi dụng để vi phạm pháp luật", đại biểu Tuấn nói.

Đại biểu Đào Chí Nghĩa (đoàn Cần Thơ) góp ý vào dự thảo Nghị quyết. Ảnh: Media Quốc hội.
Còn đại biểu Đào Chí Nghĩa (đoàn Cần Thơ) góp ý vào quy định miễn kiểm tra thực tế với doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh tuân thủ tốt quy định pháp luật.
Đại biểu đánh giá ở quy định này chưa rõ tiêu chí để xác định doanh nghiệp tuân thủ tốt.
"Nếu không có tiêu chuẩn cụ thể, quy định này có thể dẫn đến không minh bạch hoặc thiên vị trong việc áp dụng", ông Nghĩa nói và đề nghị cần quy định chi tiết tiêu chí để tránh lạm dụng hoặc không đồng đều.
Góp ý về quy định chuyển mạnh từ tiền kiểm sang hậu kiểm, đại biểu Nghĩa cho rằng đây là quy định phù hợp với xu hướng cải cách nhưng cần có cơ chế giám sát chặt chẽ và công cụ hỗ trợ như hệ thống dữ liệu điện tử, công nghệ số.
Nếu không thì có thể làm giảm hiệu quả quản lý, đặc biệt trong các lĩnh vực như an toàn thực phẩm, môi trường hoặc xây dựng.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng tiếp thu giải trình. Ảnh: Media Quốc hội.
Giải trình, tiếp thu tại tổ về nhóm ý kiến này, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng cho biết: "Dự thảo nghị quyết tập trung vào nhóm nội dung đã rõ, đã chín, có nội hàm, có tính đột phá vượt trội và có thể cụ thể hóa luôn trong dự thảo Nghị quyết, trong đó có nội dung thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm.
Còn những nội dung quan trọng, doanh nghiệp quan tâm nhưng cần nghiên cứu, rà soát tiếp thì sẽ tiếp tục nghiên cứu và có quy định sau".
Có 2 nghị quyết của Chính phủ, Quốc hội để hiện thực hóa Nghị quyết 68
Thông tin thêm, Bộ trưởng Thắng cho hay để triển khai Nghị quyết 68 về phát triển kinh tế tư nhân, Chính phủ một mặt xây dựng Nghị quyết của Chính phủ với tất cả vấn đề thuộc thẩm quyền của Chính phủ. Bên cạnh đó, Chính phủ trình Quốc hội để ban hành Nghị quyết triển khai các nội dung liên quan đến thẩm quyền của Quốc hội.
Như vậy, để hiện thực hóa Nghị quyết 68 sẽ có hai nghị quyết là Nghị quyết của Quốc hội và Nghị quyết của Chính phủ.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận