Không có hậu kiểm tốt dễ dẫn tới kẽ hở
Sáng 16/5, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về cơ chế, chính sách phát triển kinh tế tư nhân.
Các ý kiến thảo luận đều đánh giá cao sự nỗ lực của Chính phủ, Quốc hội khi nhanh chóng xây dựng Nghị quyết chỉ trong thời gian ngắn, đồng thời góp ý thêm một số nội dung cụ thể về các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp liên quan tới thuế, đất đai...

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương) nhấn mạnh, nếu không có cơ chế hậu kiểm đủ mạnh, minh bạch và hiệu quả thì chính sách này rất dễ trở thành kẽ hở để các "công ty ma" lợi dụng. Ảnh: Media Quốc hội.
Góp ý vào cách tiếp cận cởi mở, thực tiễn, đặt trọng tâm vào việc tháo gỡ rào cản và tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh... đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương) nhất trí với chủ trương chuyển mạnh từ tiền kiểm sang hậu kiểm, đặc biệt trong quản lý điều kiện kinh doanh.
Tuy nhiên, nếu không có cơ chế hậu kiểm đủ mạnh, minh bạch và hiệu quả thì chính sách này rất dễ trở thành kẽ hở để các "công ty ma" lợi dụng.
Đại biểu Nga chỉ ra thực tế, nhiều đối tượng lợi dụng chính sách thông thoáng để lập ra hàng trăm công ty không hoạt động thực tế, mua bán hóa đơn, trốn thuế, rửa tiền, gây thất thu ngân sách và làm méo mó môi trường cạnh tranh.
Có vụ việc cơ quan chức năng đã phát hiện tới hơn 600 doanh nghiệp "ma" xuất trên 1 triệu hóa đơn khống, với giá trị giao dịch lên tới gần 64.000 tỷ đồng.
Do đó, đại biểu đoàn Hải Dương đề nghị để triển khai Nghị quyết, Chính phủ cần quy định cụ thể, bổ sung rõ các yêu cầu cụ thể đối với hệ thống hậu kiểm: liên thông dữ liệu giữa các cơ quan thuế, hải quan, ngân hàng; kiểm tra thực địa; ứng dụng công nghệ số trong giám sát; và có chế tài đủ sức răn đe.
Đồng thời, cần quy định rõ các ngành, lĩnh vực buộc phải tiền kiểm, trên cơ sở rủi ro và kinh nghiệm quốc tế, để tránh áp dụng tràn lan hoặc lỏng lẻo.
Cần cơ chế chung hỗ trợ thuê đất, tài sản công, tránh mỗi nơi một kiểu
Góp ý vào chính sách hỗ trợ đất đai, đại biểu Lê Thu Hà (đoàn Lào Cai) cho rằng việc hỗ trợ này là cần thiết nhưng cần dựa trên 3 nguyên tắc cốt lõi.
Đó là đảm bảo đồng bộ với quy hoạch sử dụng đất theo đúng quy định của Luật Đất đai, tránh tình trạng để dành đất nhưng không thể sử dụng hoặc mâu thuẫn với quy hoạch hiện hành.

Đại biểu Lê Thu Hà (đoàn Lào Cai) góp ý vào dự thảo luật. Ảnh: Media Quốc hội.
Nguyên tắc khác là công khai thông tin đất đai và một phần sản xuất kinh doanh thông qua cơ sở dữ liệu quốc gia có kết nối với hạ tầng số địa phương và hệ thống đăng ký doanh nghiệp.
Cuối cùng, cần phân định rõ giữa hỗ trợ có điều kiện và ưu đãi đặc biệt, tránh bị lợi dụng chính sách, nhất là trong xác lập giá thuê đất, định giá tài sản công.
Dẫn dự thảo nghị quyết giao quyền chủ động cho UBND cấp tỉnh trong việc xác định tiêu chí, danh mục, mức hỗ trợ cho thuê đất, cho thuê tài sản công, tuy nhiên, bà Hà lo ngại nếu thiếu cơ chế điều phối và công cụ số hóa đồng bộ thì dễ dẫn đến tình trạng mỗi nơi một kiểu.
"Do đó cần thiết lập nền tảng số dùng chung, bảo đảm liên thông dữ liệu giữa các ngành như tài nguyên môi trường, tài chính, đầu tư khoa học công nghệ cập nhật thông tin theo thời gian thực để hỗ trợ phân bổ và giám sát chính sách.
Phân định rõ vai trò của trung ương trong việc xây dựng chuẩn dữ liệu, tiêu chí pháp lý nhất là doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, doanh nghiệp công nghệ cao hiện còn rải rác trong nhiều luật chuyên ngành", bà Hà kiến nghị.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân (đoàn TP.HCM) góp ý về hỗ trợ tiếp cận đất đai. Ảnh: Media Quốc hội.
Cùng góp ý về hỗ trợ tiếp cận đất đai, mặt bằng sản xuất kinh doanh, đại biểu Trần Hoàng Ngân (đoàn TP.HCM) đồng tình với các quy định trong dự thảo, chỉ đề nghị bổ sung nội dung các địa phương có đất đai, có tiềm năng và thế mạnh thì cần tạo cơ chế để thành lập, mở rộng các khu công nghiệp cho doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp nhỏ và vừa thuê với giá hỗ trợ.
Doanh nghiệp có dấu hiệu vi phạm vẫn có thể bị thanh tra đột xuất
Làm rõ thêm các góp ý của đại biểu, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng cho biết các quy định, chính sách nêu tại dự thảo nghị quyết nhằm thể chế hóa các nội dung của Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị.
Dự thảo nghị quyết chỉ đưa ra quy định mang tính nguyên tắc, đảm bảo tuân thủ đúng chủ trương của Nghị quyết 68 và phân cấp cho địa phương một cách minh bạch, khả thi.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng giải trình tiếp thu ý kiến các đại biểu. Ảnh: Media Quốc hội.
Làm rõ những ý kiến liên quan đến chính sách bỏ thuế khoán với hộ kinh doanh từ 1/1/2026, lãnh đạo Bộ Tài chính cho biết có nhiều ý kiến đại biểu lo ngại sẽ tạo gánh nặng tuân thủ khi họ phải kê khai, đăng ký thuế…
Song, ông Thắng khẳng định đây là chủ trương đúng đắn, nhằm đảm bảo minh bạch hoá hoạt động sản xuất, kinh doanh, tạo bình đẳng về chế độ thuế, khuyến khích hộ kinh doanh chuyển thành doanh nghiệp.
Theo lãnh đạo Bộ Tài chính, thời gian qua, Bộ đang thí điểm chính sách này tại một số địa bàn, nhận thấy chính sách này hiệu quả, cần được chính thức triển khai sớm.
Bộ cũng đang chỉ đạo cơ quan thuế hướng dẫn các hộ kinh doanh đăng ký, kê khai thuế, tăng cường ứng dụng công nghệ, hạ tầng vật chất… để giảm gánh nặng chi phí, khuyến khích hộ kinh doanh chuyển đổi số.
Giải đáp những ý kiến của đại biểu về lo ngại lỗ hổng khi quy định thanh, kiểm tra tối đa một lần trong năm với doanh nghiệp, trừ trường hợp có dấu hiệu vi phạm rõ ràng, Bộ trưởng Thắng cho rằng việc này hướng tới giảm thanh, kiểm tra trực tiếp; chuyển mạnh từ tiền kiểm, hậu kiểm; tăng cường kiểm tra, thanh tra từ xa, dựa trên dữ liệu điện tử, chia sẻ thông tin.
Do đó, không làm giảm hiệu lực quản lý Nhà nước, không cản trở hoạt động của doanh nghiệp.
Dự thảo Nghị quyết cũng không hạn chế thanh, kiểm tra đột xuất khi doanh nghiệp có dấu hiệu vi phạm.
Bộ trưởng Bộ Tài chính khẳng định sẽ tiếp thu tất cả các ý kiến thảo luận tại tổ và hội trường, nhanh chóng hoàn thiện dự thảo nghị quyết để có tính thực tiễn, khả thi và thống nhất quy định hiện hành.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận