Thời sự Xây dựng Giao thông Kinh tế Pháp luật Chất lượng sống Văn hóa - Giải trí Thể thao Công nghệ Thế giới Đi ++ Video Multimedia
Báo Xây dựng - Tin tức trong ngày, tin mới nhất, tin nhanh 24h Xã hội

Nghị trường “nóng” đề xuất bỏ hay giữ tử hình tội vận chuyển trái phép chất ma túy

Nghị trường “nóng” đề xuất bỏ hay giữ tử hình tội vận chuyển trái phép chất ma túy

27/05/2025, 12:45

Sáng 27/5, Quốc hội thảo luận tại hội trường về Bộ luật hình sự (sửa đổi). Nhiều đại biểu quan tâm việc bỏ hay giữ hình phạt tử hình đối với tội vận chuyển trái phép chất ma túy.

Không cương quyết "cắt cung" không thể "giảm cầu"

Đồng tình việc bỏ hình phạt tử hình đối với tội vận chuyển trái phép chất ma túy, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương) cho rằng, hiện trong nhóm tội phạm về ma túy có ba tội đặc biệt nghiêm trọng là sản xuất trái phép, buôn bán trái phép và vận chuyển trái phép chất ma túy. 

Trong đó, sản xuất và buôn bán là hai hành vi chủ động, có tổ chức, mang tính đầu mối, lợi nhuận cao, gắn với các đường dây tội phạm quốc tế. Vận chuyển trái phép chất ma túy nhiều trường hợp do người dân thiếu hiểu biết pháp luật, vì nỗi lo cơm áo, đói nghèo bị lợi dụng, dụ dỗ để thực hiện.

Nghị trường “nóng” đề xuất bỏ hay giữ tử hình tội vận chuyển trái phép chất ma túy- Ảnh 1.

ĐBQH Nguyễn Tâm Hùng (đoàn Bà Rịa – Vũng Tàu). Ảnh: Media Quốc hội.

"Việc bỏ tử hình với tội vận chuyển trái phép chất ma túy, trong khi giữ nguyên mức án cao nhất đối với sản xuất và buôn bán là phù hợp nguyên tắc phân hóa trách nhiệm hình sự, cá thể hóa hình phạt, đồng thời mở ra cơ hội khoan hồng cho những người có khả năng cải tạo", đại biểu Nga nêu ý kiến.

Trong khi đó, ĐBQH Nguyễn Tâm Hùng (đoàn Bà Rịa – Vũng Tàu) lại cho rằng, các tội phạm ma túy đặc biệt nghiêm trọng như sản xuất, vận chuyển, tàng trữ, mua bán ma túy với số lượng lớn có yếu tố xuyên quốc gia thường gây hậu quả rất nặng nề, kéo theo nhiều hệ lụy về an toàn trật tự xã hội, sức khỏe cộng đồng và an ninh quốc gia.

Đại biểu đề nghị cần rất thận trọng cân nhắc việc bỏ hình phạt tử hình. Thay vào đó, có thể lựa chọn phương án duy trì hình phạt tử hình đối với những trường hợp đặc biệt nghiêm trọng, có tổ chức mang tính chuyên nghiệp tái phạm hoặc cầm đầu đường dây. Đồng thời, xây dựng thêm các cơ chế giảm nhẹ phù hợp cho những trường hợp thành khẩn khai báo, tự nguyện khắc phục hậu quả hoặc góp phần nhanh chóng điều tra, mở rộng vụ án.

Tranh luận với đại biểu Nga về nội dung này, ĐBQH Nguyễn Thị Thu Nguyệt (đoàn Đắk Lắk) cho biết, hiện nay vẫn tồn tại tình trạng đối tượng tham gia vận chuyển trái phép chất ma túy hoạt động trên địa bàn rộng, liên tỉnh, liên quốc gia. Họ không chỉ là người có đời sống kinh tế khó khăn mà còn có cả đối tượng tham gia vận chuyển vì hám lợi.

Nữ đại biểu cho rằng, bỏ hình phạt tử hình tội phạm trên chỉ vì lý do người phạm tội có đời sống kinh tế khó khăn là chưa đủ; nếu không cương quyết với vấn đề "cắt cung" rất khó để "giảm cầu".

Nghị trường “nóng” đề xuất bỏ hay giữ tử hình tội vận chuyển trái phép chất ma túy- Ảnh 2.

ĐBQH Dương Khắc Mai (đoàn Đắk Nông). Ảnh: Media Quốc hội.

Cách ly người sử dụng trái phép chất ma túy là bảo vệ cộng đồng

Quan tâm việc hình sự hóa hành vi sử dụng trái phép chất ma tuý, ĐBQH Dương Khắc Mai (đoàn Đắk Nông) nói, trước khi sử dụng chất ma tuý, người nghiện phải mua và cất trữ trái phép chất ma tuý. Không ít trường hợp, sau khi sử dụng thấy lợi nhuận và sự cám dỗ mà ma túy mang lại, đã chuyển hóa thành người mua bán chất ma túy và những loại chất cấm khác. Điều đó đồng nghĩa việc có hành vi tiếp tay nuôi dưỡng thị trường ma tuý, tiếp sức cho các đường dây buôn bán ma túy hoạt động.

Theo ông Mai, việc xử lý hành vi sử dụng ma túy trái phép chỉ dừng ở phạt vi phạm hành chính và áp dụng biện pháp cai nghiện tự nguyện hoặc bắt buộc như hiện nay chưa đủ sức răn đe, tạo ra khoảng trống pháp lý. Đồng thời, đó có thể là nguyên nhân làm gia tăng người sử dụng chất ma tuý, tạo điều kiện cho tội phạm ma túy tồn tại và phát triển mạnh mẽ hơn.

Mặt khác, nó còn dẫn đến thực trạng những người nghiện ma túy cùng sống chung trong cộng đồng dân cư, gây ra bất an và tiềm ẩn nguy cơ cao về mất an ninh trật tự tại địa phương khi ma túy còn là nguồn gốc phát sinh nhiều loại tội phạm khác như cướp giật, trộm cắp, gây thương tích, thậm chí giết người.

"Việc cách ly tạm thời người nghiện ma túy khỏi xã hội là một biện pháp nghiêm khắc nhưng lại mang tính nhân văn với cộng đồng, không chỉ để xử lý người vi phạm mà còn bảo vệ người dân khác", đại biểu Mai nói.

Đại biểu dẫn chứng thống kê của Bộ Công an, tính đến năm 2024, cả nước có hơn 247.000 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý, trong đó trên 70% tái nghiện sau cai nghiện; số liệu từ các cơ sở cai nghiện công lập, tỷ lệ tái nghiện cũng ở mức cao do nhiều nguyên nhân. Trong đó, có hiệu quả chưa cao của mô hình cai nghiện bắt buộc, công tác quản lý sau cai nghiện còn lỏng lẻo, chưa có cơ chế giám sát hỗ trợ phù hợp tại cộng đồng, người cai nghiện xong vẫn chung sống trong môi trường dễ bị lôi kéo, dụ dỗ, tái nghiện.

Đại biểu đoàn Đắk Nông cho rằng, cần hình sự hóa hành vi sử dụng trái phép chất ma túy để cắt đứt chuỗi liên kết giữa người nghiện với tội phạm buôn bán ma tuý, đồng thời, tạo điều kiện cho họ cách ly khỏi các thành phần xấu, có cơ hội phục hồi nhân cách, học nghề, hòa nhập một cách lành mạnh.

Đồng quan điểm, ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương) cũng cho rằng, đến nay, tình hình tội phạm và tệ nạn ma túy ngày càng diễn biến phức tạp. Đáng báo động là số người sử dụng ma túy có chiều hướng gia tăng, độ tuổi ngày càng trẻ hóa với xu hướng lạm dụng các loại ma túy tổng hợp gây ảo giác, mất kiểm soát hành vi.

Điều này dẫn tới những hành vi phạm tội nghiêm trọng hơn như giết người, cướp tài sản, gây rối trật tự công cộng... Trong khi đó, việc xử lý hành chính dường như không phát huy hiệu quả răn đe và phòng ngừa.

"Sau khi bị xử lý hành chính, áp dụng các biện pháp cai nghiện, tỷ lệ tái nghiện vẫn cao... Điều này đặt ra yêu cầu cần có những biện pháp nghiêm khắc hơn để xử lý đối tượng sử dụng ma túy, góp phần răn đe và tăng hiệu quả phòng ngừa", bà Nga nói và tán thành quy định bổ sung hình phạt tù với tội phạm sử dụng chất ma tuý.

Giải trình sau đó, Phó Thủ tướng Lê Thành Long cho biết, về tội vận chuyển trái phép chất ma túy, trong quá trình soạn thảo, cơ quan chuyên môn đã thảo luận rất kỹ. Trường hợp nếu vận chuyển phục vụ trực tiếp cho buôn bán hoặc sản xuất ma túy, vẫn có thể xử lý theo hai tội danh còn giữ hình phạt tử hình là "mua bán" và "sản xuất". Tức là vẫn bảo đảm xử lý nghiêm những trường hợp nghiêm trọng, có tổ chức.

Về tái hình sự hóa hành vi sử dụng trái phép chất ma túy, dự thảo cũng cân nhắc phân loại rạch ròi. Việc tái hình sự hóa chỉ áp dụng cho những trường hợp người đang cai nghiện hoặc đã cai nhưng tái nghiện chứ không áp dụng một cách tràn lan, không có phân loại.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.