(Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9, sáng 12/5, Chánh án TAND tối cao Lê Minh Trí trình bày Tờ trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính, Luật Tư pháp người chưa thành niên, Luật Phá sản và Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án.

Chánh án TAND tối cao Lê Minh Trí trình bày Tờ trình dự án Luật sửa đổi 5 luật sáng 12/5 (Ảnh: Media Quốc hội).
Theo đó, điều chỉnh tăng thẩm quyền của TAND khu vực theo hướng có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm tất cả các vụ việc dân sự, vụ án hành chính; giải quyết phá sản; tổ chức thực hiện hoạt động hòa giải, đối thoại theo quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án.
Bổ sung thẩm quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm của Chánh án TAND cấp tỉnh, Viện trưởng VKSND cấp tỉnh. Bổ sung thẩm quyền giám đốc thẩm, tái thẩm của Ủy ban Thẩm phán TAND cấp tỉnh đối với bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của TAND khu vực bị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm.
Ngoài ra, TAND cấp tỉnh không còn thẩm quyền về giải quyết theo thủ tục sơ thẩm các vụ án hành chính, vụ việc dân sự; giải quyết phá sản; tổ chức thực hiện hoạt động hòa giải, đối thoại.
Dự thảo Luật cũng quy định: Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao giám đốc thẩm, tái thẩm bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của TAND cấp tỉnh bị kháng nghị.
Ông Trí cho biết, việc điều chỉnh tăng thẩm quyền trên đã được Bộ Chính trị, Ban Bí thư thông qua theo kết luận về Đề án tiếp tục sắp xếp, tinh gọn bộ máy TAND bảo đảm hoạt động hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp trong tình hình mới.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng (Ảnh: Media Quốc hội).
Thẩm tra nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, Ủy ban tán thành sự cần thiết sửa đổi, bổ sung một số điều của 5 luật, gồm: Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính, Luật Tư pháp người chưa thành niên, Luật Phá sản và Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án.
Đồng thời, tán thành với đề nghị của TAND tối cao về xây dựng, ban hành Luật này theo trình tự, thủ tục rút gọn.
Cơ bản tán thành phạm vi sửa đổi, bổ sung của dự thảo luật, Ủy ban cho biết, có ý kiến đề nghị cân nhắc, chỉnh lý tên gọi của Luật cho ngắn gọn, khái quát hơn.
Theo dự thảo luật, TAND khu vực được giao thẩm quyền xét xử sơ thẩm tất cả các khiếu kiện hành chính, trong đó có khiếu kiện đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính của UBND, chủ tịch UBND cấp tỉnh.
Thực tiễn xét xử thời gian qua có nhiều trường hợp người bị kiện là UBND, chủ tịch UBND cấp tỉnh vắng mặt tại phiên tòa vì các lý do khác nhau, khó khăn cho công tác giải quyết vụ án.
Do đó, để TAND khu vực thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, đề nghị TAND tối cao có giải pháp điều chuyển cán bộ, thẩm phán có kinh nghiệm từ các tòa án về tăng cường cho TAND khu vực.
Tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng để nâng cao trình độ, năng lực, bản lĩnh chính trị, bản lĩnh nghề nghiệp cho đội ngũ cán bộ, thẩm phán; đẩy mạnh xét xử trực tuyến các vụ án hành chính để góp phần khắc phục tình trạng người bị kiện vắng mặt tại phiên tòa; làm tốt công tác đối thoại trong giải quyết vụ án hành chính.
Qua đó, góp phần nâng cao chất lượng xét xử, giải quyết có hiệu quả các khiếu kiện hành chính tại tòa án.
Mặt khác, đề nghị TAND tối cao tiếp tục tổng kết thực tiễn kỹ lưỡng, nghiên cứu để kiến nghị Quốc hội xem xét, quyết định vào thời điểm thích hợp việc sửa đổi các quy định liên quan đến thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm. Trong đó, lưu ý quy định về điều kiện nộp đơn đề nghị giám đốc thẩm, căn cứ kháng nghị, tránh việc lạm dụng thủ tục giám đốc thẩm để khiếu nại tràn lan, không có điểm dừng.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận